Bệnh Leukosis trên gà gây hại như thế nào trong chăn nuôi?
Leukosis là bệnh máu trắng hay còn gọi là bệnh Lymphoid-Leukosis xảy ra ở gà và cực kì nguy hiểm do không có thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện nay, trên các đàn gà ở nhiều địa phương đang mắc bệnh leukosis rất nghiệm trọng, gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho người chăn nuôi. Tiến Thắng Vet xin chia sẻ đến quí bà con cách phòng bệnh Leukosis qua bài viết dưới đây nhé!
Leukosis trên gà là gì?
Bệnh Leukosis ở gà tức là chỉ những bệnh gây khối u lành tính hoặc ác tính trên gà do virus gây ra. Bệnh thường tạo các khối u Lympho (Lymphoid Leukosis – LL) do tăng sinh tế bào tiền Lympho (Lymphoblast).
Ngoài ra, hiện nay còn xuất hiện các dạng khối u ở tủy bào hoặc do các tế bào hạt tăng sinh (Myeloid leukosis). Đây là một căn bệnh nguy hiểm, được người chăn nuôi trong dân gian ví như “bệnh ung thư ở gà”.
Nguyên nhân gây bệnh Leukosis trên gà
Bệnh Leukosis do virus Avian Leucosis (ALV) – là RNA virus sợi đơn có vỏ bọc thuộc giống Alpharetrovirus, họ Retroviridae gây ra. Virus AL được chia thành 10 phân nhóm: A, B, C, D, E, F, G, H, I và J. Trong đó, nhóm J được tìm thấy trên gà thịt ở hầu hết các nước trên thế giới. Bệnh Leukosis thường do ALV nhóm A gây ra.
Virus có lớp vỏ lipid nên dễ dàng bị tiêu diệt bởi các chất làm tan lipid như các chất sát trùng thông thường (ether, chloroform). Một số thí nghiệm đã chứng minh được virus bị diệt ở 50oC trong 8,5 phút và ở 60oC trong 0,7 phút. Ở nhiệt độ lạnh, virus tồn tại lâu hơn. Ở -15oC thời gian bị bất hoạt của virus dưới 1 tuần. Nhưng ở nhiệt độ -60oC virus tồn tại vài năm mà không mất tính gây bệnh. Virus chỉ tồn tại được ở pH từ 5 đến 9. Nếu nằm ngoài biên độ này, hoạt tính của virus sẽ bị mất đi nhanh chóng. Virus có sức đề kháng tốt với tia cực tím.
Con đường lây truyền bệnh Leukosis trên gà
Virus Avian Leucosis từ môi trường xâm nhập vào cơ thể gà thông qua 2 đường:
- Truyền dọc từ gà mẹ sang gà con thông qua trứng. Mặc dù chỉ một tỷ lệ nhỏ gà bị lây theo đường truyền dọc, nhưng đường truyền dọc qua trứng rất nguy hiểm, khiến bệnh leukosis ở gà lây lan từ thế hệ này truyền nhiều đời sang thế hệ khác.
- Truyền ngang từ gà gà bệnh sang gà khỏe. Virus có trong nước bọt, phân là nguồn lây nhiễn qua đường truyền ngang.
Do có sức đề kháng kém với nhiệt độ nên sự lây lan của virus qua tiếp xúc gián tiếp không mạnh. Tuy nhiên, gà trống mắc bệnh không truyền bệnh cho gà con, virus nhân lên ở tất cả các cơ quan sinh sản của gà trống trừ tinh dịch. Gà trống chỉ đóng vai trò là vật mang virus và làm lây lan bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với gà khỏe mạnh.
Khả năng truyền bệnh qua trứng có liên quan đến sự bài thải virus của gà mẹ vào lòng trắng trứng và số lượng virus có trong ống dẫn trứng. Ở những con gà mái truyền virus qua trứng, lượng virus cao nhất được tìm thấy ở phần đầu ống dẫn trứng.
Không phải tất cả trứng mang virus trong lòng trắng đều có khả năng truyền cho phôi hoặc gà con. Tỷ lệ này dao động từ 12,5 – 50%. Do virus bị kháng thể trong lòng đỏ trung hòa hoặc bị bất hoạt bởi nhiệt độ.
Virus từ bên trong truyền cho gà con qua các tế bào sinh dục của cả gà trống và gà mái. Những virus từ bên trong thường không hoặc ít khi phát bệnh ung thư, nhưng có thể làm cho gà con dễ mắc virus từ bên ngoài.
Cơ chế sinh bệnh Leukosis trên gà
Gà là vật chủ tự nhiên của virus ALV. Bệnh cũng có thể xảy ra trên chim cút, gà gô, vịt, bồ câu…. Bệnh xảy ra ở gà trên 4 tháng tuổi, hầu hết các giống gà đều mẫn cảm với bệnh. Tỷ lệ chết của gà nhiễm bệnh là từ 5-15%.
Khi virus Avian Leucosis xâm nhập vào cơ thể gà, sẽ nhân lên nhanh chóng và tấn công vào các tế bào limpho đồng thời tấn công vào túi fabricius. Trước khi đến tuổi phát bệnh, virus chỉ tồn tại và sinh sản mà không gây nên các biến đổi bệnh lý. Khi đến tuổi cảm thụ, virus sẽ tác động đến các tuyến Lympho làm rối loạn chức năng sinh lý của cơ quan này.
Các tế bào tuyến sẽ phân chia không kiểm soát tạo ra rất nhiều các tế bào tiền Lympho (Lymphoblast). Các tế bào tiền Lympho sẽ tích tụ trong các cơ quan, tổ chức và sinh ra các khối u lympho bệnh lý. Các tế bào ung thư di căn theo máu, mạch lympho gây ra các khối u kế phát.
Trong nhiều trường hợp gà mắc bệnh không hình thành khối u và không gây chết nhưng gà giảm khả năng sinh sản và tăng trưởng. Gây thiệt hại lớn về kinh tế và là động vật mang trùng bài thải mầm bệnh ra môi trường.
Virus còn tác động vào hệ thống bạch huyết, túi fabricius. Giai đoạn đầu khoảng 4 – 8 tuần sau khi mắc bệnh túi fabricius sưng to, sau đó teo nhỏ lại. Các khối u chỉ có thể thấy khi gà lớn hơn 14 tuần tuổi.
Triệu chứng bệnh Leukosis ở gà
Thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào chủng, số lượng virus, đường xâm nhập, tuổi và đặc tính di truyền của vật chủ.Trong phòng thí nghiệm, thời gian ủ bệnh trong vòng 5 – 7 tuần, nhưng trong thực tế thời gian ủ bệnh từ 10 – 20 tuần hoặc dài hơn.Triệu chứng của bệnh không điển hình. Gà có các hiểu hiện sau:
- Giảm ăn, gầy ủ rủ, yếu xơ xác, tiêu chảy, mất nước.
- Một số con sẽ có biểu hiện bụng xệ, mào tích nhợt nhạt.
- Triệu chứng không thường gặp xuất huyết lỗ chân lông ở gà.
Trong thể myelocytomatosis, do các khối u ở tủy xương khiến cho gà hình thành các u ở đầu, ngực, chân và hố mắt gây xuất huyết, mù mắt.
- U máu có thể ở da, hình thành mụn giộp máu dưới da, có thể vỡ và gây chảy máu.
- U thận có thể gây liệt cho gà do thần kinh hông bị chèn ép.
- U xương làm cho các xương dài của chân bị ảnh hưởng, gà bị còi cọc, bước đi khập khiễng.
Với gà đẻ sản lượng trứng của gà bệnh giảm rõ rệt, vỏ trứng mỏng, tỷ lệ chết cao hơn 5 – 15%, tỷ lệ thụ thai thấp hơn 2,4% và tỷ lệ ấp nở sẽ giảm 12,4%. Gà bệnh sẽ chết sau một vài tuần từ khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng và dễ bị mắc kế phát các bệnh truyền nhiễm khác.
Bệnh tích bệnh Leukosis trên gà
Mổ khám gà chết do leukosis quan sát được:
- Các khối u ở gan, lách, thận, xương, phổi, cơ quan sinh dục…
- Các khối u mềm, trơn nhẵn, mặt cắt ngang có màu xám hoặc kem nhạt. Khối u có thể bao gồm nhiều khối u nhỏ.
- Thể u phân tán thường gặp ở gan, gồm nhiều u nhỏ đường kính nhỏ hơn 2mm, phân bố đồng đều khắp các nhu mô.
- Thể u tập trung làm cho tổ chức bệnh sưng to, có màu xám nhat, dễ nat. Gan, lách gà bệnh thường sưng to đặc biệt.
- Gan gà bình thường chỉ nặng từ 30 – 50g nhưng gan gà bệnh có con tới 500g. Lách từ 1-3g, khi sưng nặng đến 20g.
- Một số trường hợp gan cứng, có tơ huyết. Lách sưng to, có màu đỏ mềm dễ nát.
- Bệnh tích điển hình cũng thấy ở túi Fabricius, có nhiều khối u hình thành.
Chẩn đoán bệnh Leukosis trên gà
Dựa vào các đặc điểm dịch tễ học, triệu chứng và bệnh tích đặc trưng của gà bệnh nêu ở trên để chẩn đoán. Ngoài ra, có thể lấy máu gà để kiểm tra kháng thể bằng phương pháp ELISA hoặc lấy mẫu cơ quan có bệnh tích để kiểm tra mẫu mô bệnh học.
Nhưng bệnh Marek và bệnh kí sinh trùng đường máu cũng gây ra khối u trên gà rất khó để phân biệt. Vì vậy, cần chẩn đoán phân biệt bệnh leukosis với các bệnh ký sinh trùng đường máu và bệnh Marek.
Chẩn đoán bệnh Leukosis và phân biêt với bệnh Marek trên gà
Bệnh Leukosis và bệnh Marek giống nhau ở điểm: gà bệnh chết thường biểu hiện xác gầy, lông xơ xác, mào tích nhợt nhạt. U cục ở nhiều cơ quan nội tạng.
Tuy nhiên điểm khác nhau giữa hai bệnh này là:
- Bệnh Leukosis xảy ra ở gà trên 14 tuần tuổi (thường 24 – 40 tuần tuổi). U cục đầu tiên xuất hiện ở túi fabricius. Khối u không có ranh giới rõ ràng với tổ chức còn lại.
- Bệnh Marek xảy ra ở gà trên 4 tuần tuổi (thường 10 – 20 tuần tuổi). Không có u cục trên túi fabricius. Gà có hiện tượng sưng to dây thần kinh, gây liệt chân. Khối u có ranh giới với tổ chức bình thường.
Xem thêm: Bệnh Marek trên gà
Chẩn đoán phân biệt Leukosis với bệnh kí sinh trùng đường máu trên gà
Bệnh Leukosis và bệnh kí sinh trùng đường máu giống nhau ở điểm là gà chết thường biểu hiện chân khô, lông xơ xác, mào tích nhợt nhạt, máu loãng, khó đông.
Điểm khác nhau giữa hai bệnh này là:
- Bệnh Leukosis: xảy ra ở gà trên 14 tuần tuổi (thường 24 – 40 tuần tuổi), không có tính mùa vụ. Xác gà chết gầy, u cục ở nhiều cơ quan nội tạng của gà bệnh, đầu tiên xuất hiện ở túi fabricius sau đó ở gan, lách, thận, màng treo ruột, tim và buồng trứng.
- Bệnh ký sinh trùng đường máu: thường xảy ra ở gà trên 6 tuần tuổi, xảy ra nhiều vào mùa mưa ẩm có nhiều muỗi, đĩa, kiến, gián. Cơ ức khô cứng, nhợt nhạt loang lổ các vùng nhạt màu. Gan, lách sưng to và bở nát. Một số trường hợp thận tăng sinh và dễ vỡ.
Xem thêm: Bệnh kí sinh trùng đường máu trên gà
Cách điều trị bệnh Leukosis ở gà
Bệnh Leukosis trên gà do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, việc kiểm soát bằng an toàn sinh học là quan trọng nhất.
Việc điều trị bệnh Leukosis không đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Khi gà mắc bệnh nên được chọn lọc và tiêu hủy những gà có triệu chứng lâm sàng đúng cách, dưới sự hướng dẫn của bác sỹ thú y.
Đối với những gà còn khỏe mạnh, cần dùng thuốc bồi dưỡng cơ thể biệt là vitamin C và các loại thuốc bổ gan thận Retonic.
Cách phòng bệnh Leukosis ở gà
Hiện tại, chưa có vaccine phòng bệnh hiệu quả với bệnh Leukosis. Với bệnh Leukosis chủ yếu kiểm soát dịch tễ học và an toàn sinh học trên gà giống bố mẹ và môi trường.
Kiểm soát đàn bố mẹ
Việc kiểm tra kháng thể ở gà bố mẹ là rất cần thiết để kiểm soát vấn đề truyền dọc và đảm bảo đàn gà thương phẩm an toàn và sạch bệnh. Các nhà chọn giống cần loại bỏ những đàn dương tính với virus.
Tăng cường công tác vệ sinh trong ấp nở trứng gà, không ấp nở trứng của đàn gà bị bệnh, vệ sinh, khử trùng máy ấp nở và dụng cụ ấp nở.
Kiểm soát lây nhiễm từ môi trường
Cần kiểm soát nghiêm ngặt an toàn sinh học trong trại và việc ra vào trại nhằm loại bỏ việc lây nhiễm mầm bệnh từ môi trường bên ngoài vào môi trường trại. Cần chú ý rằng các loài chim hoang dại cũng là nguồn mang mầm bệnh rất nguy hiểm. Thực hiện vệ sinh thú y, khử trùng tiêu độc chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi trước khi nhập gà nuôi.
Ta cũng nên chọn gà từ những trại gà giống có độ an toàn cao. Không nuôi chung gà nhỏ với gà lớn, các giống gà khác nhau trong cùng khu vực.
Bệnh Leukosis trên gà không điều trị được nên người chăn nuôi cần lưu ý theo dõi và kiểm tra đàn gà thường xuyên, kịp thời phát hiện bệnh để tránh thiệt hại về kinh tế!