Bệnh tai xanh ở heo (bệnh tai xanh ở lợn) được gọi đầy đủ là hội chứng rối loạn sinh sản và hô háp ở lợn (PRRS). Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh và không có thuốc đặc trị. Bệnh gây chết nhiều heo khi bị nhiễm ghép hoặc kế phát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như: dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng… Hãy cùng Tiến Thắng Vet tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng trị bệnh tai xanh trên heo nhé!
Nguyên nhân gây bệnh tai xanh trên heo
Do virus thuộc giống Arterivirus, họ Arteriviridae, bộ Nidovirales gây ra. Arterivirus có cấu trúc vỏ bọc dạng chuỗi đơn RNA và có 3 chủng:
- Chủng 1 gồm những virus thuộc dòng Châu Âu (độc lực thấp).
- Chủng 2 gồm những virus thuộc dòng Bắc Mỹ (độc lực cao).
- Chủng 3 gồm những virus thuộc dòng Trung Quốc (độc lực cao).
Trong tự nhiên, virus Arterivirus tồn tại khá lâu trong phân, nước tiểu, nước ối, xác chết. Tuy nhiên, virus dễ bị tiêu diệt bởi ánh sáng mặt trời, nhiệt độ cao trên 70oC, các thuốc sát khuẩn thông thường như formol 2%, nước vôi 10%, iodine 10%. Trong cơ thể heo khỏi bệnh, virus có thể tồn tại 17 tuần vì thế đây là nguồn bệnh cực kỳ nguy hiểm.
Virus tai xanh gây bệnh qua hai con đường là trực tiếp và gián tiếp:
- Đường trực tiếp: tiếp xúc với heo bệnh, heo mang trùng với các dịch tiết và chất thải có chứa virus như nước mũi, nước bọt, tinh dịch, phân, nước tiểu. Đặc biệt bệnh truyền từ heo mẹ sang heo con, heo nái nhiễm bệnh lây lan qua heo con.
- Đường gián tiếp: qua không khí, virus theo gió có thể đi xa hơn 3 km, qua đường phối giống, dụng cụ tiêm chích, dụng cụ chăn nuôi, xe chuyên chở gia súc bệnh từ nơi này đến nơi khác, hay vật môi giới trung gian truyền lây như chim trời, chuột, ruồi, muỗi.
Dấu hiệu bệnh tai xanh ở heo
Đặc trưng của bệnh tai xanh là gây sảy thai, thai chết lưu ở heo nái chửa, heo nái nuôi con. Ngoài ra còn xảy ra trên heo đực giống, heo con theo mẹ, heo thịt.
Dấu hiệu tai xanh trên heo nái chửa và nái đẻ nuôi con
Bệnh tai xanh trên heo nái luôn ở thế cấp, song các dấu hiệu lại xảy ra một cách từ từ biểu hiện bằng sự chảy nước mắt dàn dụa, hắt hơi, sổ mũi. Heo nái bệnh lờ đờ mệt mỏi, nằm bẹp hoặc mất điều hòa vận động.
Sốt không cao khoảng 40 đến 41,5 độ C, đôi khi ngắt quãng. Da của heo nái phát ban ửng đỏ, đặc biệt là vùng da mềm, bụng bẹn, tứ chi, mõm, tai… Sau 4-5 ngày, trên da xuất hiện đôi chỗ bị lở loét và tăng nặng dần theo thời gian bị bệnh.
Sau khi phát bệnh 2-5 ngày, heo nái chửa sẽ bị sảy thai, đặc biệt vào cuối kỳ II hoặc đẻ non, đẻ sớm nhưng cũng có một số nái đẻ chậm (sau 114 ngày) tới 5-7 ngày, thậm chí 7-10 ngày.
Thai chết có màu nhợt nhạt, trên xác có một số đốm bị thối rữa. Số heo con từ các heo nái bệnh đẻ ra do sảy thai, do đẻ sớm hoặc đẻ chậm phần lớn là đã chết hoặc sẽ chết yểu. Số heo con còn sống sót ngơ ngác không linh hoạt, chân yếu, đi lại không vững nên phải chạng rộng chân. Điều đặc biệt là xen kẽ các thai bị chết thì có một số thai vẫn phát triển hầu như bình thường.
Trong số các heo nái bệnh quan sát thấy một số con bị táo bón, một số bị tiêu chảy, chúng vẫn thèm ăn nhưng ăn một cách đỏng đảnh (lúc ăn lúc không ăn hoặc bỏ ăn hoàn toàn).
Viêm phổi là bệnh lý đặc trưng, luôn thấy ở những heo nái bị sảy thai hoặc đẻ nọn, đẻ chậm. Các biểu hiện của viêm phổi giống như ở bệnh suyễn: heo ốm, thở khó khăn, thở dốc, thay đổi cách thở từ thể ngực sang thể bụng. Một số trường hợp còn thấy sổ mũi, chảy mủ hoặc máu cam…
Dấu hiệu tai xanh trên heo đực giống
Dấu hiệu tai xanh trên heo đực giống cũng gần như trên heo nái chửa, heo nái nuôi con.
- Heo đực bị bệnh cũng lờ đờ, chảy nước mắt, mõm khô và sốt cao, da phát ban đỏ, bí đái.
- Bìu dái lúc đầu nóng, đỏ sau chuyển sang lạnh, tím tái, một số con bị mất cân bằng về độ lớn giữa hai hòn dái.
- Tinh trùng loãng, heo không chịu nhảy đực.
- Heo đực giống bỏ ăn dần và thể trạng sụt kém nhanh do viêm phổi nặng.
Dấu hiệu tai xanh trên heo con theo mẹ
Khác với heo nái chửa và nái đẻ, bệnh tai xanh xảy ra đột ngột, diễn biến nhanh ở heo con theo mẹ với các triệu chứng điển hình là chết ngay sau khi sinh vài giờ, nếu sống sót thì có các biểu hiện sau:
- Viêm phổi nặng, kèm theo tiêu chảy. Lúc mới bệnh, heo con bồn chồn đau bụng, đi lại lung tung.
- Phát ban đỏ ở phần da mềm: bụng, bẹn, hang, mõm, tai, chỉ sau vài ba ngày các đám phát ban đỏ ở rìa tai trở nên xanh tím và từ đây bệnh có tên là bệnh tai xanh.
- Heo con ủ rũ, đói dẫn đến gầy, lông xù, chân cong, thở dốc và thở thể bụng như bệnh suyễn.
- Mí mắt sưng húp, viêm kết mạc mắt.
- Hầu như tất cả heo bệnh đều bị tiêu chảy rất nặng, phân dính đít. Heo mệt mỏi, hay nằm, yếu dần và chết.
- Tỷ lệ heo con chết cao, lên tới 100%.
Dấu hiệu tai xanh trên heo thịt
Biểu hiện trên heo thịt cũng gần giống như heo con theo mẹ, bệnh phát ra đột ngột, lây lan nhanh và có các biểu hiện như sau:
- Heo sốt cao 40 đến 41,5 độ C, mũi khô, lờ đờ, mệt mỏi, hay nằm.
- Phát ban đỏ phần da mềm nhất là mõm, tai, bụng, bẹn… đặc biệt là ở phần rìa tai tím tái (tai xanh) hoặc phát ban đỏ toàn thân.
- Heo bệnh nằm tụm đống, thở dốc và rất dễ mệt khi xua đuổi do viêm phổi nặng, thậm chí thấy mốt số con ngồi thở như chó ngồi (thở thể bụng) giống hệt như bệnh suyễn, tim đập nhanh, heo dễ bị đột quỵ và chết do trụy hô hấp.
- Đa phần heon ốm đều bị sưng tấy đỏ mí mắt, sau vài ngày chuyển thành màu thâm, mắt lõm sâu tạo cảm giác như heo đeo kính, từ đây bệnh còn có tên là bệnh heo đeo kính.
- Nhiều trường hợp heo đứng lên nằm xuống khó khăn hoặc do bị bại mông, yếu chân sau.
- Heo rất muốn ăn nhưng ăn kém, nhiều con bị táo bón, song cũng có nhiều trường hợp bị tiêu chảy.
- Bệnh kéo dài hàng tuần. Tỷ lệ chết không đáng kể, nhưng do tai xanh rất dễ bị bệnh thứ phát và phụ thuộc vào bệnh thứ phát để có thêm các nét đặc thù về lâm sàng và bệnh tích, khi đó tỷ lệ chết khá cao.
Bệnh tích bệnh tai xanh trên heo
Bệnh tích bệnh tai xanh đặc trưng trên heo nái mang thai, heo đực giống bị tai xanh ở tất cả các lứa tuổi là viêm phổi. Phổi bị viêm hoại tử có thể thấy ở bất cứ thùy nào của phổi và không đối xứng, trong khi ở bệnh suyễn thùy phối bị viêm đối xứng.
Thùy bị bệnh có màu xám đỏ, viêm có mủ tạo thành cục rắn chắc (nhục hóa). Khi cắt ngang thùy bị bệnh, ta thấy mô phổi bị lồi ra, nhu mô có màu giống như tuyến ức và khi nắn bóp thấy có nhiều bọt, dịch đỏ hoặc mủ chảy ra. Khi bỏ miếng phổi vào trong nước thì phổi bị chìm (phổi bị chìm khi 2/3 thể tích phồi nằm dưới mặt nước hoặc cả miếng phổi bị nằm dưới mặt nước).
Thông thường viêm phế quản phổi thấy nhiều nhất ở thùy đỉnh, sau đó là các thùy sát với cơ hoành, các thùy khác ít hơn. Ngoài bệnh tích trên phổi thì:
- Heo nái: ngoài bệnh tích ở phổi, còn thấy các biến đổi ở đường sinh dục, thai chết lưu, thai chết yểu, có thể có viêm âm đạo và tử cung.
- Heo đực giống: bìu dái thâm tím, lạnh. Các tinh hoàn có độ lớn không đều, mổ ra thấy xung huyết nhiều.
- Heo con theo mẹ, heo sau cai sữa còn có thêm bệnh tích đường tiêu hóa từ viêm đến xuất huyết hoại tử.
Phương pháp chẩn đoán bệnh tai xanh ở heo
Ngoài việc nhận biết bệnh tai xanh ở heo thông qua các triệu chứng lâm sàng thì ta cần thực hiện các phương pháp chẩn đoán để phân biệt với các loại bệnh tương tự.
- Lấy mẫu máu của heo bị nhiễm bệnh đi xét nghiệm huyết thanh bằng phương pháp ELISA để kiểm tra, đánh giá nồng độ kháng thể trên tổng đàn.
- Phương pháp chẩn đoán tai xanh bằng máy PCR Pockit cho phép phát hiện sớm virus gây bệnh tai xanh. Đây là phương pháp đang được các trang trại, cơ sở thú y, trung tâm nghiên cứu,…. lựa chọn.
Các loại máy PCR Pockit hiện nay được thiết kế nhỏ gọn, dạng cầm tay cho phép người dùng mang đi hiện trường xét nghiệm bệnh và cho kết quả test trong vòng 2h. Nếu trước đây, khi sử dụng phương pháp PCR truyền thống phải mất thời gian chờ đợi và chi phí khá cao thì việc sử dụng PCR Pockit sẽ khắc phục được mọi vấn đề về địa lý, chi phí mà vẫn đảm bảo được kết quả chính xác.
Cách điều trị bệnh tai xanh ở heo
Bệnh tai xanh ở heo do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu heo có sức đề kháng tốt và không bị bội nhiễm với các bệnh khác thì có thể tự khỏi. Tuy nhiên, trên thực tế có đến 90% heo bị nhiễm bệnh tai xanh sẽ bị bội nhiễm các bệnh khác nên tỷ lệ chết cao hơn. Người nuôi có thể thực hiện các cách khống chế dịch bệnh như sau:
- Tiêu độc, sát trùng chuồng trại bằng các loại thuốc chuyên dụng.
- Nâng sức đề kháng toàn đàn bằng việc bổ sung chế phẩm sinh học và vitamin C trộn cho ăn.
- Khống chế các bệnh kế phát khác (tùy vào từng loại bệnh). Có thể dùng kháng sinh có hoạt phổ rộng để điều trị các bệnh kế phát do vi khuẩn gây ra như: tetracycline, trimethoprim, penicillin…
- Bố trí tiêm phòng vaccine khi hết bệnh và ổn định.
Sản phẩm Retonic giúp bổ sung vitamin, khoáng, acid amin dưới dạng dung dịch uống cho heo khi bị tai xanh rất hiệu quả. Giúp heo cải thiện sức khỏe và hồi phục các tế bào gan thận bị tổn thương do nhiễm các bệnh thứ phát.
Xem thêm: Retonic bổ thận bổ gan cho gia cầm
Cách phòng bệnh tai xanh ở heo
Con đường lây lan bệnh tai xanh ở heo: do tiếp xúc trực tiếp, qua đường không khí, dụng cụ chăn nuôi, tinh dịch, côn trùng (muỗi, ruồi). Vì vậy để phòng bệnh tai xanh ở heo, ta nên phòng bệnh trước khi có dịch hơn là để đến khi dịch bệnh bùng phát.
Phòng bệnh trước khi có dịch tai xanh
Khi chưa có dịch tai xanh bùng phát ta tiến hành phòng bệnh như sau:
- Tiêm phòng vắc xin lúc heo còn khỏe mạnh là yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng chống bệnh tai xanh. Vì vậy, ta cần định kỳ tiêm vắc xin bệnh tai xanh, dịch tả, tụ huyết trùng, thương hàn, các bệnh thường gặp trên heo đầy đủ.
- Cung cấp thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, vitamin nhằm tăng sức đề kháng cho heo.
- Giữ chuồng trại mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
- Vệ sinh bên ngoài và bên trong chuồng trại 1 lần/ngày và đều đặn tiêu độc sát trùng cả khu chuồng hàng tuần.
- Bổ sung thêm chế phẩm sinh học vào thức ăn cho heo nhằm khống chế vi khuẩn gây bệnh trên đường hô hấp và tiêu hóa của heo.
- Định kỳ lấy mẫu xét nghiệm bệnh để phát hiện sớm virus, vi khuẩn gây bệnh.
- Không giết mổ heo bị bệnh tại nhà để tránh lây lan virus tai xanh.
- Hạn chế nhập heo mới vào đàn (trước khi nhập đàn phải nuôi cách ly để theo dõi tối thiểu 3 tuần).
Vắc xin nhược độc đông khô phòng bệnh tai xanh, chủng JXA1-R giúp tạo miễn dịch chủ động phòng hội chứng gây rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS) thể độc lực cao trên heo. Hàm lượng kháng thể đạt cao nhất vào khoảng 21 – 28 ngày sau khi tiêm vắc xin, thời gian bảo hộ kéo dài 4 – 6 tháng. Mỗi liều vaccine chứa virus gây bệnh tai xanh nhược độc chủng JXA1-R Hàm lượng vi rút ≥105.0 TCID50/liều nên đảm bảo giá trị bảo hộ sau khi tiêm vắc xin rất cao.
Xem thêm: Vắc xin nhược độc đông khô phòng bệnh tai xanh, chủng JXA1-R
Phòng bệnh khi dịch tai xanh bùng phát
Khi nổ ra dịch tai xanh tại trại hoặc các vùng lân cận trại có dịch cần tiến hành gấp các biện pháp sau đây:
- Những con bị nhiễm bệnh tai xanh cần được cách ly ra khu vực riêng.
- Tuyệt đối không giết mổ, vứt xác heo bệnh chết xuống sông mà cần thực hiện tiêu hủy theo quy định của ngành thú y.
- Người tiêu dùng không mua heo bị nhiễm bệnh về chế biến làm thực phẩm.
- Vệ sinh dụng cụ chăn nuôi, máng ăn, giày dép khi vào trang trại.
- Luân phiên phun xịt thuốc sát trùng Advance APA Clean để tiêu diệt mầm bệnh.
- Sử dụng test nhanh để xét nghiệm những con khỏe mạnh xem có bị nhiễm bệnh hay không.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh tai xanh ở heo
Khi bùng nổ dịch tai xanh ở heo, bà con thường hay thắc mắc là bệnh tai xanh ở heo có lây sang người hay không và ăn phải heo bị tai xanh có bị bệnh không? Hãy xem câu trả lời của Tiến Thắng Vet nhé!
Bệnh tai xanh ở heo có lây sang người hay không?
Bệnh tai xanh ở được phát hiện từ thập niên 80 thế kỷ trước. Bệnh không lây sang người, nhưng có gần 70% virus này kết hợp với các bệnh khác như cúm heo, tụ huyết trùng, tả, thương hàn.
Đối với bệnh cúm heo kết hợp với bệnh tai xanh thì khả năng lây sang người rất ít. Còn bệnh tả, tụ huyết trùng, dịch tả, thương hàn có thể gây rối đường tiêu hóa ở người. Tuy nhiên, nếu heo bị bệnh heo tai xanh nhiễm liên cầu khuẩn (Streptococcus suis – là vi khuẩn thường trú ở đường hô hấp heo và có thể gây bệnh cho loài vật này) thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng con người.
Đã có hàng chục ca nhiễm liên cầu khuẩn phải nhập viện và ít nhất 2 ca tử vong với các biểu hiện nhiễm trùng huyết cấp như sốt, xuất hiện ban trên da toàn thân, suy hô hấp, sốc và suy đa phủ tạng nhanh chóng và không thể phục hồi, rối loạn đông máu trầm trọng.
Ăn phải heo bị tai xanh có bị bệnh không?
Theo một số nghiên cứu chỉ ra rằng, do virus heo tai xanh không lây lan và gây bệnh ở người nên sẽ không có những nguy cơ về sức khỏe khi ăn thịt heo mắc bệnh tai xanh đã được nấu chín.
Tuy nhiên, thịt heo tai xanh rất có thể mang theo liên cầu khuẩn. Vì vậy, nó có thể trở nên nguy hiểm cho người nếu như tiếp xúc với thịt heo sống khi mua bán, chế biến hoặc ăn các món không được đun nấu chín, những con đường lây lan của bệnh liên cầu khuẩn.
Thiệt hại kinh tế gây ra do bệnh tai xanh ở heo cho người chăn nuôi rất lớn, đặc biệt khi dịch bệnh bùng phát. Quý bà con nên áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng bệnh mà Tiến Thắng Vet chia sẻ nhé!