Thuốc thú y, Bệnh ở chó

Pimobendan (P2): Ứng dụng pimobendan trong điều trị bệnh tim và suy tim trên chó

ung dung pimobendan trong dieu tri benh tim va suy tim tren cho

Suy tim ở chó là một tình trạng phức tạp với nhiều nguyên nhân và các mức biểu hiện lâm sàng khác nhau. Tuy nhiên hiện nay tình trạng suy tim vẫn có thể được kiểm soát nếu việc điều trị được áp dụng đúng cách. Trong bài viết này, Tiến Thắng sẽ trình bày cho Quý Bạn đọc một số thông tin về suy tim và cách ứng dụng pimobendan trong việc điều trị bệnh tim và suy tim trên chó.

Giới thiệu về suy tim

Suy tim được định nghĩa là một bệnh lý mãn tính, tiến triển trong đó cơ tim không đủ khả năng co bóp để bơm máu đáp ứng đủ nhu cầu cung cấp máu và oxy của cơ thể. Tuy nhiên, khả năng co bóp của tim trên thực tế lại khó để định lượng chính xác vì bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó bao gồm tiền tải (preload), thể tích máu hay áp lực thuỷ tĩnh trong tâm thất ở cuối thì tâm trương, hậu tải (afterload), lực cản trở việc tống máu vào hệ thống động mạch ngoại biên, và khả năng co cơ (contractility), năng lực nội tại của cơ tim trong việc tạo lực tống máu đi. Xác định các yếu tố kể trên chính là những công việc trong thăm khám tim mạch lâm sàng của bác sĩ thú y.

Định luật Frank-Starling trong suy tim

Sự tương tác của 3 yếu tố tiền tải, hậu tải, và khả năng co cơ được mô tả bởi định luật Frank-Starling, trong đó định luật này liên hệ khả năng co bóp của tim với tình trạng tiền tải cuối tâm trương của tâm thất, mà về bản chất, thể tích máu trong tâm thất ở cuối tâm trương càng nhiều thì sự co bóp sau đó càng mạnh. Ở thú khoẻ mạnh, sự tăng nhẹ về thể tích tâm thất làm tăng đáng kể cung lượng tim (a). Còn ở thú mắc bệnh tim, mối quan hệ này bị suy giảm, nghĩa là cung lượng tim giảm ở mọi mức tiền tải, và sự tăng cung lượng tim khi tăng tiền tải (từ các cơ chế bù trừ) đều ít hơn so với thú khỏe mạnh (b). Tình trạng suy tim còn làm mối quan hệ này đi xuống khi cơ tim mất khả năng co bóp làm giảm cung lượng tim dù tiền tải có tăng (c).

Định luật Frank-Starling trong suy tim

Việc điều trị suy tim, dựa trên định luật Frank-Starling, bao gồm

  • Giảm tiền tải (thuốc lợi tiểu hoặc giãn tĩnh mạch) nhằm giảm triệu chứng sung huyết,
  • Tăng khả năng co bóp bằng việc giảm hậu tải (thuốc giãn động mạch) hoặc cường tim nhằm khôi phục lại mối quan hệ bình thường giữa cung lượng tim và tiền tải (d).
dieu tri suy tim

Pimobendan có hiệu ứng làm tăng sức co bóp của tim và giãn thành mạch đồng đều ở cả động mạch lẫn tĩnh mạch, do đó đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và cải thiện tình trạng suy tim.

Ứng dụng của pimobendan trong điều trị bệnh tim

Nghiên cứu lâm sàng đối với pimobendan đã được thực hiện để chứng minh hiệu quả của thuốc ở giai đoạn lâm sàng (suy tim sung huyết). Trong đó, một nghiên cứu đã được thực hiện trong 3 năm để so sánh hiệu quả của pimobendan benazepril (thuốc ức chế men chuyển angiotensin) đối với thời gian sống của chó bị suy tim sung huyết, với thời gian theo dõi cho đến khi kết thúc (do tử vong, an tử do bệnh tim hoặc rút khỏi nghiên cứu). Kết quả công bố của nghiên cứu này vào năm 2008 cho thấy chó bị suy tim sử dụng pimobendan sẽ kéo dài đáng kể thời gian sống so với chỉ sử dụng benazepril, tương ứng với số ngày sống trung bình 267 ngày và 140 ngày, cao hơn 91% đối với nhóm dùng pimobendan.

Một nghiên cứu khác vào năm 2016 thậm chí còn kiểm tra hiệu quả của pimobendan ở giai đoạn tiền lâm sàng (chỉ nghe thấy tiếng thổi và thấy tim to) trên 360 con chó mắc bệnh van hai lá. Kết quả cho thấy, so với nhóm dùng giả dược, nhóm dùng pimobendan sống được trung bình thêm 15 tháng, với thời gian trung bình đến khi khởi phát suy tim sung huyết hoặc tử vong liên quan đến bệnh tim là 1228 ngày và 766 ngày tương ứng với nhóm dùng và không dùng pimobendan. Nghiên cứu này cho thấy không những pimobendan có khả năng kéo dài thời gian sống đối với chó bị suy tim sung huyết (giai đoạn lâm sàng), mà còn giúp trì hoãn sự tiến triển của bệnh đối với chó mắc bệnh van hai lá giai đoạn tiền lâm sàng.

Một số lưu ý khi sử dụng pimobendan

1. Việc sử dụng pimobendan cần thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bác sĩ Thú y

Do khả năng hấp thụ bị ảnh hưởng khi có thức ăn, pimobendan được cấp qua đường uống chỉ khi thú bệnh ở trạng thái đói hay dạ dày rỗng. Thuốc bắt đầu phát huy tác dụng nhanh, chỉ trong 1 giờ sau khi uống, và có tác dụng kéo dài khá lâu nếu được dùng đúng theo hướng dẫn. Mặc dù còn có những lo ngại về khả năng gây ra tăng nhịp tim ngoài ý muốn do hiệu ứng cường tim, trên thực tế, các nghiên cứu ứng dụng pimobendan cho thấy khả năng kéo dài sự sống cho chó bị suy tim thay vì tăng tỉ lệ tử vong.

2. Cân nhắc sử dụng pimobendan trên một số nhóm chó nhất định

Không sử dụng pimobendan trên chó bị dị ứng với thành phần này. Ngoài ra cũng tránh sử dụng pimobendan trên thú mắc bệnh cơ tim phì đại, hẹp động mạch chủ hoặc các tình trạng khác mà việc tăng cung lượng tim là không phù hợp. Sử dụng pimobendan thận trọng trên chó có nhịp tim bất thường không kiểm soát được. Độ an toàn của thuốc chưa được nghiên cứu và khẳng định trên chó dưới 6 tháng tuổi, chó trong thời kỳ sinh sản, đang mang thai hoặc đang cho con bú, chó bị dị tật tim bẩm sinh, tiểu đường hoặc các rối loạn chuyển hóa khác, vì vậy nên thận trọng khi sử dụng pimobendan trong những trường hợp này.

3. Cẩn trọng khi điều trị kết hợp

Do canxi và thụ thể beta là những yếu tố quan trọng của sự co cơ, nên thận trọng khi sử dụng các loại thuốc đối kháng canxi và thuốc đối kháng beta cho chó đang sử dụng pimobendan.

Thông tin liên quan: Cardisure (Dechra) là thuốc thú y được kê toa dùng để điều trị một số bệnh tim nhất định trên chó, với tác dụng cải thiện cung lượng tim thông qua việc tăng sức co bóp của tim và giãn tĩnh mạch lẫn động mạch. Tại Việt Nam, Cardisure đã được cấp phép lưu hành chính thức. Lựa chọn sử dụng Cardisure với hoạt chất pimobendan giúp tình trạng suy tim của cún cưng được kiểm soát, giảm nhẹ, cải thiện đáng kể thời gian sống và chất lượng cuộc sống của thú.

hinh 2 thuoc pimobendan danh cho cho

Tài liệu tham khảo:

Klabunde, R. (2011). Cardiovascular physiology concepts. Lippincott Williams & Wilkins.

King, L. G., & Boag, A. (2007). BSAVA manual of canine and feline emergency and critical care (No. Ed. 2). British small animal veterinary association.

Kuo, I. Y., & Ehrlich, B. E. (2015). Signaling in muscle contraction. Cold Spring Harbor perspectives in biology, 7(2), a006023.

Lee, J. A. (1990). Calcium sensitizers. A new approach to increasing the strength of the heart. Br Med J, 300, 511-522.

MacLennan, D. H., & Kranias, E. G. (2003). Phospholamban: a crucial regulator of cardiac contractility. Nature reviews Molecular cell biology, 4(7), 566-577.

Nelson, R. W., & Couto, C. G. (2019). Small Animal Internal Medicine-E-Book: Small Animal Internal Medicine-E-Book. Elsevier Health Sciences.

https://en.wikipedia.org/wiki/Muscle_contraction#Mechanisms_of_smooth_muscle_contraction

Thuốc cường tim – P1

 

Trả lời