Sản phẩm hỗ trợ chức năng gan: 13 thành phần thường gặp
Gan là một cơ quan nội tạng đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể. Một số chức năng điển hình của gan có thể kể đến như tạo ra mật, đào thải độc tố và phân hủy chất béo trong ruột non ở quá trình tiêu hóa, hỗ trợ tạo ra một số loại protein cần thiết cho huyết tương, vận chuyển chất béo trong cơ thể, lưu trữ và giải phóng glucose khi cần thiết, dự trữ hàm lượng sắt của cơ thể, chuyển hóa amoniac có hại thành ure, làm sạch máu cùng các chất độc hại khác, hỗ trợ điều chỉnh quá trình đông máu của cơ thể, tạo ra các yếu tố miễn dịch và loại bỏ vi khuẩn có hại khỏi máu, từ đó tránh nhiễm trùng.
Với các vai trò như trên, việc đảm bảo cho “cỗ máy” gan luôn hoạt động trong trạng thái tốt và ổn định nhất chính là mục tiêu của chủ nuôi lẫn bác sĩ thú y. Đây cũng là lý do để các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe gan được nghiên cứu và cải tiến liên tục nhằm cải thiện tình trạng gan của thú cưng, từ đó cải thiện về mặt sức khỏe và góp phần vào phúc lợi động vật. Tuy nhiên, đứng giữa rất nhiều sản phẩm hỗ trợ gan, chắc hẳn Quý Chủ nuôi và Quý Bác sĩ thú y sẽ phần nào thắc mắc về tác dụng của các thành phần có trong chúng, và đâu là những thành phần mình nên chú ý đến. Trong bài viết này, Tiến Thắng sẽ điểm qua một số chất, thành phần cũng như tác dụng của chúng trong việc cải thiện sức khỏe gan để giúp Quý Chủ nuôi và Quý Bác sĩ thú y hiểu rõ hơn về vấn đề trên nhé!
Cây kế sữa (milk thistle) hay silymarin
Kế sữa là loài thực vật có hoa thuộc họ Cúc, được trồng nhiều ở Châu Âu, Bắc Phi, Nam và Bắc Mỹ, Trung và Tây Á, và Nam Úc. Hoạt chất chính trong cây kế sữa, phần lớn lấy từ chiết xuất hạt và quả, là các flavonolignan gọi chung là silymarin. Các flavonolignan bao gồm:
- Silibinin/silybin (A, B) (chiếm phần lớn)
- Silydianin
- Isosilibinin/isosilybin (A, B)
- Silychristin
- Isosilychristin
- Taxifolin
Silymarin kém hòa tan trong nước nên có đặc tính sinh khả dụng thấp, và thường được đưa vào cơ thể dưới dạng gắn kết hay bao bọc để tăng khả năng hấp thu. Ở động vật có vú, nơi hoạt động chủ yếu của silymarin là gan với khả năng bảo vệ cơ quan này bằng cơ chế chống oxy hóa và chống các tác nhân gây hại. Chiết xuất cây kế sữa là thành phần được ưa chuộng trong các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe gan với với mục đích phục hồi chức năng gan và tái tạo tế bào gan, hữu ích trong điều trị các bệnh về gan như bệnh gan do rượu, gan nhiễm mỡ không do rượu, viêm gan do virus, tổn thương gan do thuốc, viêm gan nhiễm mỡ hay xơ hóa gan.
Silymarin thực hiện chức năng bảo vệ gan qua các con đường chính:
- Chống oxy hóa bằng cách loại bỏ và ngăn chặn sự hình thành các gốc tự do, ngăn chặn sự peroxy hóa lipid, kích hoạt các chất và enzyme chống oxy hóa khác, và điều hòa lượng glutathione
- Kháng virus, kháng viêm và điều hòa miễn dịch ở tế bào gan và tế bào miễn dịch
- Ổn định màng tế bào và tính thấm, hạn chế sự xâm nhập của độc tố vào tế bào gan, liên kết với ion sắt ngăn ngừa nhiễm độc sắt
- Thúc đẩy tổng hợp RNA ribosome và protein, kích thích tái tạo tế bào gan
- Ức chế hình thành sợi fibrin, làm chậm quá trình xơ hóa gan.
Bên cạnh cây kế sữa, silymarin cũng có trong cây atisô. Trong atisô có cynarin và silymarin, hai chất chống oxy hóa có khả năng cải thiện sức khỏe của gan. Cynarin có tác dụng lợi mật, ngăn ngừa hình thành sỏi mật và kiểm soát mức độ cholesterol trong máu.
Choline
Choline đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể vì đây vừa là thành phần cấu trúc của các phospholipid có trong màng tế bào, điển hình như phosphatidylcholine và sphingomyelin, vừa là thành phần cấu tạo nên chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine. Bên cạnh methionine, choline cũng là nguồn cung cấp gốc methyl cho một số phản ứng methyl hóa trong cơ thể, như quá trình chuyển đổi từ homocystein thành methionine. Phosphatidylcholine ngoài có trong màng tế bào, còn đóng vai trò cấu thành nên lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL) giúp vận chuyển lipid (chất béo) ra khỏi gan. Do đó, thiếu hụt choline có nguy cơ làm chất béo tích tụ trong gan gây nên tình trạng gan nhiễm mỡ. Ngược lại, thừa choline cũng có thể gây hạ huyết áp, nôn ói, tiêu chảy. Choline có thể được tạo thành trong cơ thể từ phosphatidylserine trong trường hợp có đủ methionine để cung cấp gốc methyl. Ngoài ra, khẩu phần ăn có chứa bột ngô hay đậu nành và thành phần thức ăn giàu protein cũng là nguồn cung choline dồi dào.
Kẽm (Zinc)
Kẽm được xem là khoáng chất đóng vai trò quan trọng thứ hai trong cơ thể thú cưng. Kẽm và đồng có mối quan hệ đối kháng, nghĩa là kẽm làm giảm sự hấp thu đồng vào trong tế bào, và ngược lại đồng ở tỉ lệ quá cao so với kẽm cũng có thể làm suy giảm khả năng hấp thu kẽm. Đồng được hấp thụ từ ruột sẽ liên kết với protein khi di chuyển trong máu tới gan. Sự liên kết ion đồng với protein khi vận chuyển trong máu và ở trong gan là cần thiết vì ion đồng tự do có tính oxy hóa cực mạnh, có thể gây phá hủy hồng cầu, stress oxy hóa và tổn thương tế bào gan. Tại gan, một phần đồng được sử dụng cho quá trình sinh hóa cần thiết, một phần được lưu trữ, và số còn dư được bài thải qua đường mật. Tuy nhiên, khi lượng lưu trữ đã đủ, vẫn luôn còn một số ion đồng tự do khuếch tán vào trong tế bào ruột và được protein metallothionein (do tế bào ruột tạo ra) gắn vào để tránh gây độc. Do đó, lượng metallothionein cao giúp phòng ngừa tình trạng nhiễm độc đồng, và lượng kẽm trong cơ thể là yếu tố chính điều tiết lượng metallothionein tạo ra trong tế bào ruột (kẽm càng nhiều lượng metallothionein càng cao). Một số chế độ ăn tự nhiên hoặc thức ăn thương mại kém chất lượng có thể chứa hàm lượng kẽm thấp, và một số giống chó có thể gặp tình trạng kém hấp thu kẽm như Husky và Alaska.
Methionine, S-adenosylmethionine, Cystein & Glutathione
Các chất kể trển trên đều tham gia chung trong một quá trình sinh hóa của cơ thể với điểm cuối là glutathione, một chất chống oxy hóa đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ tế bào gan cũng như cơ thể trước sự tổn hại do các chất thuộc dạng oxy hoạt động (ROS - Reactive Oxygen Species) gây ra, ví dụ như gốc tự do, peroxid, peroxy hóa lipid, và kim loại nặng. Glutathione dạng khử (GSH), được cấu thành trực tiếp từ cysteine, glutamic acid và glycine, thực hiện các chức năng như trung hòa (khử) các gốc oxy hóa hay tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa để trung hòa và đào thải các chất gây độc. Nhóm thiol (-SH) trong glutathione, bắt nguồn từ cấu trúc cysteine, chịu trách nhiệm chính trong việc trung hòa các gốc oxy hoạt động, glutathione sau đó chuyển thành dạng oxy hóa (GSSG) và được chuyển hóa trở lại thành dạng khử bởi enzyme glutathione reductase.
Cysteine là axit amin bán thiết yếu có chứa nhóm thiol (-SH) với khả năng cơ thể tự tổng hợp được từ methionine và serine. Nếu serine là axit amin không thiết yếu thì methionine (C15H22N6O5S) là axit amin thiết yếu ở cả người lẫn động vật do cơ thể không thể sự tổng hợp mà phải thu nhận từ các nguồn thức ăn có chứa methionine bên ngoài. Cysteine cũng có thể được bổ sung từ nguồn bên ngoài cơ thể dưới dạng cysteine hoặc N-acetylcysteine. Ngoài vai trò là tiền chất của glutathione, cysteine còn là thành phần quan trọng của các protein liên kết với kim loại nặng (do ái lực cao với nhóm thiol), như metallothionein, nên chất này cũng đóng vai trò trong việc khử độc gan do nhiễm kim loại nặng (như bệnh gan do đồng).
Trong quá trình tạo thành cysteine, nhóm adenosyl của ATP được gắn với lưu huỳnh (sulfur) của methionine tạo thành S-adenosylmethionine (SAMe). SAMe tham gia vào 3 phản ứng sinh hóa quan trọng của cơ thể: 1 là chuyển nhóm methyl để tổng hợp các hormone, chất dẫn truyền thần kinh hay methyl hóa vật chất di truyền, phần còn lại trở thành S-adenosylhomocysteine và bị thủy phân thành homocysteine; 2 là chuyển nhóm sulfur khi homocysteine kết hợp với serine tạo thành cystathionine và tiếp tục chuyển hóa thành cysteine; 3 là chuyển nhóm n-propylamine để tổng hợp các polyamine đóng vai trò trong việc kiểm soát sự phát triển tế bào và kháng viêm. Lượng homocysteine chưa sử dụng có thể nhận gốc methyl để trở lại thành methionine, gọi là chu trình SAM. SAMe là một mắt xích quan trọng trong quá trình hình thành glutathione, đồng thời cũng là chất chuyển hóa chính điều hòa sự tăng trưởng, biệt hóa và chết tế bào theo chương trình của tế bào gan.
Nhìn chung, lượng methionine, S-adenosylmethionine, cysteine hay N-acetylcysteine, và glutathione bổ sung trong các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe gan đều có tác dụng khôi phục lượng glutathione cần thiết cho cơ thể (bao gồm cả gan) để chống lại sự oxy hóa và trung hòa chất gây độc. Tuy nhiên mỗi chất đều có tính sinh khả dụng khác nhau tùy vào đặc tính và đường cấp.
Đôi khi chúng ta sẽ thấy methionine được ghi dưới dạng L-methionine hoặc DL-methionine, hay cysteine dưới dạng L-cysteine. Trên thực tế, methionine có 2 loại là L-methionine và D-methionine là 2 đồng phân quang học đối quang (ngược nhau trên cấu trúc 3 chiều); DL-methionine là hỗn hợp của 2 loại trên. Tuy nhiên động vật chỉ có thể sử dụng L-methionine để chuyển hóa thành protein, còn D-methionine phải qua 2 bước chuyển hóa mới trở thành L-methionine và sử dụng được. L-cysteine và D-cysteine cũng là 2 đồng phân quang học đối quang, nhưng chỉ L-cysteine tham gia vào các quá trình sinh hóa trong cơ thể ở tất cả sinh vật, còn D-cysteine đóng vai trò như phân tử tín hiệu trong hệ thần kinh của động vật có vú.
N-acetylcysteine
N-acetylcysteine là chất đóng vai trò chống oxy hóa trực tiếp lẫn gián tiếp trong cơ thể, đặc biệt là gan. Về mặt gián tiếp, NAC là tiền chất của axit amin L-cystein hỗ trợ quá trình tổng hợp glutathione, một chất chống oxy hóa trực tiếp và là chất nền để tạo thành các enzyme chống oxy hóa. Bên cạnh đó, NAC cũng có khả năng trực tiếp loại bỏ một số gốc oxy hóa như NO2 hay HO(X). Bổ sung NAC cho chó mèo giúp tăng lượng cystein, hồi phục lượng glutathione cần thiết và giảm mức độ peroxy hóa lipid liên quan đến bệnh gan. Ngoài ra, NAC còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải độc của cơ thể thông qua glutathione, điển hình là ngộ độc paracetamol (acetaminophen) trên mèo (chống chỉ định tuyệt đối) hay ở các loài khác trong trường hợp quá liều.
Sorbitol
Chiết xuất cây kế sữa, hay silymarin, dù là một chất cải thiện sức khỏe của gan nhưng lại có khả năng hấp thụ qua đường uống kém do độ hòa tan trong nước, độ thẩm thấu cũng như khả năng phân hủy trong đường tiêu hóa thấp. Để cải thiện tình trạng này, sorbitol là thành phần thường được thêm vào các sản phẩm chứa silymarin với vai trò như chất mang (carrier) giúp tăng khả năng hấp thu và phát huy tác dụng chống oxy hóa và bảo vệ gan của cây kế sữa.
Ursodiol (Ursodeoxycholic acid hay UDCA)
UDCA là một axit mật (bile acid) tổng hợp, ưa nước, có khả năng tác động lên mật theo nhiều con đường khác nhau và đã được ứng dụng từ rất lâu trong việc hỗ trợ sức khỏe đường mật. Các tác động chính lên gan mật của UDCA bao gồm
- Bảo vệ tế bào gan và tế bào ống mật khỏi tổn thương do axit mật kị nước gây ra. Axit mật kích thích sự hình thành các gốc oxy hóa có khả năng khởi động quá trình viêm dẫn đến viêm túi mật. UDCA cũng bảo vệ cấu trúc tế bào gan, ngăn chặn quá trình chết theo chương trình, và ngăn chặn tế bào Kupffer (đại thực bào có trong gan) tạo các gốc oxy hóa giúp giảm stress oxy hóa trong tế bào gan
- Tăng tỉ lệ axit mật ưa nước/axit mật kị nước bằng việc tăng hấp thu và tích trữ axit mật ưa nước trong túi mật, giúp giảm độc tính lên tế bào gan và ống mật do axit mật kị nước gây ra, đặc biệt trong các trường hợp ứ mật (tắc mật trong gan)
- Kích thích tiết và đào thải axit mật (lợi mật) thông qua việc gián tiếp tăng nồng độ canxi nội bào, giúp kích thích các protein vận chuyển và sự xuất bào ở tế bào gan
- Điều hòa miễn dịch thông qua việc giảm biểu hiện của kháng nguyên MHC class I trong các trường hợp ứ mật, xơ hóa ống mật, giúp giảm tổn thương lên gan do trung gian miễn dịch gây ra.
Chống chỉ định UDCA trong trường hợp tắc mật ngoài gan do nguy cơ tổn thương hay vỡ cấu trúc ống mật vì tác dụng lợi mật.
Vitamin E
Vitamin E là vitamin tan trong mỡ có tác dụng chống oxy hóa bằng việc loại bỏ các gốc tự do và ngăn ngừa tổn thương do oxy hóa. Ngoài ra, vitamin E còn có tác dụng kháng viêm, ngăn ngừa sự chết tế bào, và cải thiện tình trạng xơ gan. Nghiên cứu trên người cho thấy vitamin E khi kết hợp cùng vitamin C và atorvastatin, hoặc vitamin E kết hợp cùng ursodeoxycholic acid (UDCA), đều cho hiệu quả cải thiện và ngăn ngừa tình trạng gan nhiễm mỡ. Trên thú y, vitamin E được xem là chất chống oxy hóa hiệu quả ở chó mắc bệnh gan, đặc biệt ở thú mắc bệnh tích trữ đồng và bệnh gan do đồng. Tuy nhiên, khi bổ sung vitamin E cần lưu ý giới hạn lượng nạp ở 400 IU/ngày, tốt nhất là theo chỉ định của bác sĩ thú y, vì nồng độ vitamin E quá cao cũng có thể gây hại cho cơ thể.
Phức hợp Vitamin B
Phức hợp vitamin B bao gồm các vitamin B1 (thiamine), B2 (riboflavin), B3 (niacin), B5 (pantothenic acid), B6 (pyridoxine), B7 (biotin), B9 (folic acid hay folate) và B12 (cobalamin), đều là các vitamin tan trong nước. Trong số này, các vitamin B6, B9 và B12 trực tiếp có mặt trong các phản ứng chuyển hóa đặc biệt ở gan, nhất là phản ứng tạo thành glutathione, một chất chống oxy hóa chính giúp bảo vệ gan khỏi tác nhân oxy hóa. Vitamin B9 và B12 hỗ trợ trong phản ứng methyl hóa homocysteine để tạo thành methionine. Còn vitamin B6 hỗ trợ trong phản ứng chuyển nhóm sulfur của homocysteine để tạo thành cysteine. Ngoài ra, vitamin B9 cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kích hoạt con đường di truyền để hồi phục gan đang bị tổn thương. Các nghiên cứu cho thấy sự thiếu hụt 3 loại vitamin thiết yếu này có thể dẫn đến các tổn thương về gan. Các vitamin khác như B1, B2, B5 cũng tham gia vào các quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng như lipid, carbohydrate và protein, góp phần cho hoạt động của gan được ổn định và khỏe mạnh. Nghiên cứu về vitamin B1 cho thấy khả năng kiểm soát lượng mỡ trong gan trước khẩu phần ăn dư năng lượng, cũng như giảm đường huyết và tăng lượng glycogen lưu trữ tại gan, mở ra tiềm năng của vitamin B1 trong việc phòng ngừa và điều trị gan nhiễm mỡ. Hầu hết nhóm vitamin B đều không có tác dụng phụ trên gan ở mọi lượng nạp vào, ngoại trừ vitamin B3 khi sử dụng liều cao trong thời gian dài có khả năng gây tổn thương gan.
Tổng kết
Ngoài các chất và thành phần điển hình kể trên, trong thực tế vẫn còn rất nhiều các chất, thành phần và thực vật khác có tác dụng gián tiếp hoặc trực tiếp hỗ trợ sức khỏe gan mật. Tuy nhiên, nhiều chất chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng hiệu quả, liều lượng và tác dụng phụ trên thú cưng, do đó chủ nuôi và bác sĩ thú y nên tham khảo kỹ các thông tin trước khi lựa chọn và sử dụng các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe gan cho thú cưng. Cũng nên nhớ rằng, các chất bổ cũng chỉ nên sử dụng ở liều lượng và tần suất hợp lý để phát huy hiệu quả tốt nhất.
Liver Recover là sản phẩm hỗ trợ gan dành cho thú cưng do Tiến Thắng phân phối. Với thành phần chính bao gồm
- Chiết xuất cây kế sữa
- Sorbitol
- Methionine
- Cysteine
- Glutamic acid
- Glycine
- Vitamin (C, E, B1, B2, B5, B9, B12)
Liver Recover đem đến khả năng bảo vệ, hồi phục, và tăng cường chức năng gan một cách hiệu quả, giúp cho thú cưng khỏe mạnh và nhanh hồi phục sau điều trị.
Tham khảo thêm thông tin sản phẩm trên website tại: https://tienthangvet.vn/san-pham/thuoc-thu-y/liver-recover-dung-dich-ho-tro-chuc-nang-gan-cho-cho-meo/
Tài liệu tham khảo:
Achufusi TGO, Safadi AO, Mahabadi N. Ursodeoxycholic Acid. [Updated 2023 Feb 12]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2024 Jan-. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK545303/
Aksu, Ö., & Altinterim, B. (2013). Hepatoprotective effects of artichoke (Cynara scolymus). Bilim ve Genclik Dergisi, 1(2), 44-49.
Aldini, G., Altomare, A., Baron, G., Vistoli, G., Carini, M., Borsani, L., & Sergio, F. (2018). N-Acetylcysteine as an antioxidant and disulphide breaking agent: the reasons why. Free radical research, 52(7), 751-762.
Dilova, Val & Stoianova, Y.. (2014). Increasing the solubility of a poor soluble api-milk thistle dry extract (silymarin). Pharmacia. 61. 18-21.
Festi, D., Montagnani, M., Azzaroli, F., Lodato, F., Mazzella, G., Roda, A., ... & Colecchia, A. (2007). Clinical efficacy and effectiveness of ursodeoxycholic acid in cholestatic liver diseases. Current clinical pharmacology, 2(2), 155-177.
Hadi, H. E., Vettor, R., & Rossato, M. (2018). Vitamin E as a treatment for nonalcoholic fatty liver disease: reality or myth?. Antioxidants, 7(1), 12.
Kalyesubula, M., Mopuri, R., Asiku, J., Rosov, A., Yosefi, S., Edery, N., ... & Dvir, H. (2021). High-dose vitamin B1 therapy prevents the development of experimental fatty liver driven by overnutrition. Disease Models & Mechanisms, 14(3), dmm048355.
LiverTox: Clinical and Research Information on Drug-Induced Liver Injury [Internet]. Bethesda (MD): National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases; 2012-. Vitamin B. [Updated 2021 May 27]. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK548710/
Moradi, S., Shokri‐Mashhadi, N., Saraf‐Bank, S., Mohammadi, H., Zobeiri, M., Clark, C. C., & Rouhani, M. H. (2021). The effects of Cynara scolymus L. supplementation on liver enzymes: A systematic review and meta‐analysis. International Journal of Clinical Practice, 75(11), e14726.
Nikbaf-Shandiz, M., Adeli, S., Faghfouri, A. H., Khademi, F., Jamilian, P., Zarezadeh, M., & Ebrahimi-Mamaghani, M. (2023). The efficacy of N-acetylcysteine in improving liver function: A systematic review and meta-analysis of controlled clinical trials. PharmaNutrition, 24, 100343.
Reece, W. O., Erickson, H. H., Goff, J. P., & Uemura, E. E. (Eds.). (2015). Dukes' physiology of domestic animals. John Wiley & Sons.
Valková, V., Ďúranová, H., Bilčíková, J., & Habán, M. (2020). Milk thistle (Silybum marianum): a valuable medicinal plant with several therapeutic purposes. The Journal of Microbiology, Biotechnology and Food Sciences, 9(4), 836.
http://vasld.com.vn/vai-tro-vua-s-adenosyl-methionine-dua-tren-y-hoc-chung-cu
https://mypetnutritionist.com/post/ultimate-natural-guide-for-pets-liver-disease/
https://wagwalking.com/wellness/choline-for-dogs
https://www.linkedin.com/pulse/taking-care-your-liver-through-b-complex-supplementation-plantacorp/
https://www.medicalnewstoday.com/articles/vitamin-e-for-fatty-liver#vitamin-e-benefits
Phạm Quốc Anh Minh