Bệnh ở chó

Bệnh thoái hoá van hai lá | Bệnh tim phổ biến trên chó (P1)

Bệnh tim phổ biến trên chó: Thoái hoá van hai lá. Hình ảnh minh hoạ các trường hợp dị dạng van hai lá dẫn đến máu trào ngược

Hoạt động của tim

Trên tất cả các sinh vật sống, tim đóng vai trò như một “máy bơm” đẩy máu lưu thông khắp cơ thể. Theo dòng máu, oxy cùng các chất dinh dưỡng được vận chuyển từ phổi đến cung cấp cho các mô trong cơ thể, đồng thời CO2 cũng được vận chuyển từ các mô về lại phổi để trao đổi lấy oxy mới. Cùng với sự hỗ trợ của các “cảm biến” bố trí khắp các cơ quan, tim có khả năng tự điều chỉnh hoạt động của mình một cách phù hợp để đáp ứng nhu cầu trong mỗi tình huống. Khi tim bị bệnh, “máy bơm” không thể đưa máu đi khắp cơ thể đủ nhanh, các cơ chế bù trừ được kích hoạt giúp vòng tuần hoàn được duy trì một cách bình thường và thú bệnh không biểu hiện triệu chứng ngoại trừ tiếng thổi tim. Tuy nhiên, các cơ chế bù trừ không phải là vô hạn, và khi không còn khả năng bù trừ, tim dần suy, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện trên trên thú.

Tỉ lệ mắc bệnh thoái hoá van hai lá

Bệnh thoái hóa van hai lá (Degenerative Mitral Valve Disease – DMVD, hay bệnh van hai lá myxomatous Myxomatous Mitral Valve Disease – MMVD) là bệnh về tim phổ biến nhất trên chó tại nhiều quốc gia, và chiếm khoảng 75% ca bệnh tim trên chó tại Bắc Mỹ. Bệnh van hai lá không những ảnh hưởng chỉ trên van hai lá thông giữa tâm nhĩ và thất trái, mà hơn 30% số ca còn bị ảnh hưởng cả trên van ba lá thông giữa tâm nhĩ và thất phải. Bệnh xảy ra nhiều hơn trên chó đực và các giống chó nhỏ khoảng dưới 20kg, đặc biệt là các giống Cavalier King Charles Spaniel, Chihuahua và Pomenarian. Bệnh thường tiến triển chậm trên giống chó nhỏ và tiến triển nhanh hơn khi xảy ra trên giống chó lớn, tuy nhiên ở đa số trường hợp, quá trình thường mất vài năm từ khi nghe thấy tiếng thổi do trào ngược van hai lá cho đến khi chó có biểu hiện suy tim. Khả năng mắc bệnh van hai lá tỉ lệ thuận với tuổi của chó, đặc biệt là ở giống chó nhỏ với 85% thú có sự bất thường ở van tim vào thời điểm 13 tuổi.

Giống chó Cavalier King Charles Spaniel

Nguyên nhân gây bệnh thoái hoá van hai lá

Bệnh van hai lá xảy ra khi van bị thoái hoá, lá van dày lên và lỏng lẻo. Bên cạnh đó, sợi thừng gân (chordae tendinae) có nhiệm vụ giữ cố định lá van khi van đóng, trong trường hợp bị đứt bởi bất kì lí do nào, cũng dẫn đến tình trạng máu trào ngược và bệnh van hai lá. Nguyên nhân chính xác của bệnh lẫn nguyên nhân của sự thoái hoá tuy vẫn chưa được làm rõ, nhưng đã được xác định là có liên quan đến yếu tố di truyền và giống. Bệnh van hai lá còn được gọi là suy van hai lá (Mitral Valve Disease – MVI) hoặc hở van hai lá (Mitral Regurgitation – MR) và thường liên quan đến tiếng thổi ở tim

Sự thay đổi của cơ thể khi mắc bệnh thoái hoá van hai lá

Khi mắc bệnh, van hai lá của tim trở nên dày hơn và nổi các nốt mủ, ngăn cản việc đóng chặt van, dẫn tới việc một phần máu từ tâm thất trái bị trào ngược về tâm nhĩ trái trong thì tâm thu tạo thành tiếng thổi. Hiện tượng trào ngược, cùng với các cơ chế bù trừ, gây tăng tiền tải của tim, và theo thời gian làm cơ tim giãn nở do ứ đọng máu, giảm sức co bóp của tim. Sự gia tăng về kích thước tim và ứ đọng máu có khả năng chèn ép và gây phù phổi, giảm hiệu suất trao đổi khí, dẫn đến các triệu chứng như ho, khó thở, thở nhanh, thú không thể vận động nhiều, mệt mỏi, bỏ ăn, sụt cân, và nặng hơn có thể gây tích dịch xoang bụng. Thời điểm này, bệnh đã ở giai đoạn lâm sàng, đã tiến triển thành suy tim sung huyết (Congenital Heart Failure – CHF) và có thể gây tử vong bất cứ lúc nào.

Các giai đoạn của bệnh thoái hoá van hai lá

Bệnh thoái hoá van hai lá được chia thành 4 giai đoạn A, B (bao gồm B1 và B2), C và D với các đặc trưng như sau:

  • Giai đoạn A: Chưa có thay đổi về cấu trúc tim nhưng thuộc nhóm nguy cơ cao.
  • Giai đoạn B: Đã có thay đổi về cấu trúc tim nhưng chưa xuất hiện triệu chứng lâm sàng trên thú. Nếu kích thước tim còn trong mức bình thường thì thú đang ở giai đoạn B1. Nếu X-quang phát hiện kích thước tim lớn thì thú đã ở giai đoạn B2.
  • Giai đoạn C: Suy tim sung huyết. Triệu chứng lâm sàng đã xuất hiện trên thú và cơ thể đáp ứng tốt với thuốc.
  • Giai đoạn D: Suy tim sung huyết kháng trị. Triệu chứng ngày càng trầm trọng và cơ thể không còn đáp ứng với điều trị nội khoa thông thường.

Chẩn đoán bệnh thoái hoá van hai lá

Việc chẩn đoán bệnh thoái hoá van hai lá giai đoạn lâm sàng được dựa trên sự kết hợp giữa các yếu tố nguy cơ (độ tuổi, giống, giới tính), dấu hiệu lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng. Tuy nhiên, ở giai đoạn tiền lâm sàng, do thú không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào, việc chẩn đoán chỉ có thể dựa vào phát hiện cận lâm sàng.

Các hoạt động cận lâm sàng bao gồm:

  • Nghe tim phổi để đánh giá tiếng thổi tim và âm phổi.
  • Siêu âm tim để xem dòng chảy của máu, độ dày cơ, cấu trúc van tim và sức bóp của tim;
  • X-quang vùng ngực để đo kích thước tim và xem dấu hiệu phù phổi;
  • Đo điện tim để kiểm tra tình trạng loạn nhịp và một số dấu hiệu về kích thước tim;
  • Xét nghiệm máu để đo lường các hormon và protein đặc trưng (NT-proBNPcTnI) được tiết ra hoặc giải phóng vào máu khi cơ tim bị tổn thương;

Các xét nghiệm và kiểm tra này không chỉ dùng để phát hiện bệnh mà còn dùng để đánh giá mức độ nghiêm trọng và theo dõi tiến triển của bệnh khi thú vào giai đoạn suy tim.

Điều trị và kiểm soát bệnh van hai lá và tình trạng suy tim

Ngày nay, van tim đã có thể thay thế hoặc sửa chữa bằng can thiệp ngoại khoa trên người, tuy nhiên kỹ thuật này chỉ đang trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm trên chó. Do đó, hướng điều trị bệnh thoái hoá van hai lá trên chó hiện nay vẫn là can thiệp nội khoa và chế độ dinh dưỡng để giải quyết các triệu chứng lâm sàng và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Mục tiêu của điều trị nhằm làm tăng chất lượng cuộc sống thông qua việc làm giảm phù phổi giúp cải thiện khả năng hô hấp, vận động, và làm giảm tích dịch xoang bụng giúp thú bệnh đỡ khó chịu.

Điều trị và kiểm soát suy tim bằng thuốc

Về thuốc, thú thường được chỉ định và tập trung điều trị khi ở giai đoạn suy tim sung huyết (giai đoạn lâm sàng hay giai đoạn C). Ở giai đoạn này, thuốc lợi tiểu (như furosemide), thuốc ức chế men chuyển angiotensin (như benazepril) và thuốc đối kháng aldosteron (như spironolactone) được sử dụng kết hợp và thận trọng để tăng đào thải nước giúp giảm huyết áp, giảm phù nề và giãn mạch giúp máu lưu thông dễ hơn nhưng không gây mất căng bằng điện giải. Ngoài ra, thuốc tim mạch với tác dụng làm tăng khả năng co bóp của cơ tim (cường tim), và giãn mạch giúp giảm hậu tải cho tim cũng được khuyến cáo sử dụng để tăng hiệu quả bơm máu và giảm lượng máu trào ngược. Hoạt chất điển hình của thuốc tim mạch dạng này hiện nay là pimobendan, được thương mại hoá dưới tên như Cardisure (Dechra) hay Vetmedin (Boehringer Ingelheim). Hiệu quả kéo dài sự sống của pimobendan đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu khác nhau. Hiện nay, pimobendan liều thấp thậm chí đã được chỉ định ngay từ giai đoạn B2 với tác dụng trì hoãn sự tiến triển từ gian đoạn tiền lâm sàng sang giai đoạn lâm sàng.

Tìm hiểu thêm về sản phẩm Cardisure (Dechra) chứa pimobendan do Tiến Thắng phân phối tại đây hoặc xem thông tin trên website của hãng Dechra tại đây.

Một số thuốc pimobendan thương mại do Dechra (Cardisure) và Boehringer Ingelheim (Vetmedin) sản xuất được dùng trong điều trị bệnh thoái hoá van hai lá trên chó
Một số thuốc pimobendan lưu hành trên thế giới

Điều chỉnh chế độ ăn và lối sống của chó

Về dinh dưỡng, thú bị suy tim nên được ăn thức ăn thơm ngon và giàu calo để cung cấp đầy đủ năng lượng khi tim đang phải hoạt động nhiều hơn để đảm bảo cung lượng máu cho cơ thể. Protein cũng nên được cung cấp ở mức độ vừa phải và tránh các thức ăn ít protein chuyên dành cho thú bị bệnh thận nếu thú đang suy tim không kèm theo suy thận nặng. Đặc biệt, natri, chất điện giải liên quan mật thiết đến lượng nước trong cơ thể, phải được khống chế ngay từ giai đoạn B2 (tiền lâm sàng) và khống chế ở mức thấp nhất có thể khi sang đến giai đoạn C (lâm sàng). Các chất điện giải khác như kali và magiê phải được theo dõi và bổ sung hoặc giới hạn trong trường hợp thiếu hoặc dư tương ứng. Ngoài ra, còn cần bổ sung thêm axit béo omega-3 và các axit amin như taurine L-carnitine trong khẩu phần dinh dưỡng để cải thiện sức khoẻ tim mạch. Thú bị suy tim với tình trạng hô hấp khó khăn, không dung nạp vận động, nên được hạn chế vận động tối đa để giữ mức ô xy tiêu thụ thật thấp.

Chi phí và hiệu quả điều trị

Hầu hết chó được chẩn đoán suy tim sẽ phải điều trị suốt đời. Việc điều trị bao gồm thuốc và các xét nghiệm theo dõi được chỉ định tuỳ thuộc vào tình trạng của mỗi thú bệnh cũng như khả năng của chủ nuôi, với chi phí dao động và cân bằng để vừa cải thiện chất lượng cuộc sống của thú, vừa đảm bảo thú được điều trị lâu dài nhất có thể. Một số thuốc tuy đắt tiền hơn các thuốc khác nhưng đem lại hiệu quả vượt trội và tác dụng phụ ít hơn.

Sự đáp ứng và hiệu quả kéo dài sự sống tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, như tình trạng bệnh khi bắt đầu điều trị, tình trạng cơ thể… Thú bệnh đáp ứng tốt với thuốc sẽ có chất lượng cuộc sống tốt hơn và nếu được điều trị đầy đủ sẽ kéo dài sự sống lên từ vài tháng tới vài năm.

Nhìn chung, bệnh thoái hoá van hai lá yêu cầu sự chăm sóc lâu dài và sự đồng hành của chủ nuôi cùng với thú bệnh. Việc tuân thủ dùng thuốc (thời gian, liều lượng), chế độ dinh dưỡng và lối sống theo khuyến cáo của bác sĩ thú y là rất quan trọng để việc điều trị được hiệu quả, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống của chó.

Tài liệu tham khảo:

Fuentes, V. L., Johnson, L. R., & Dennis, S. (2010). BSAVA Manual of canine and feline cardiorespiratory medicine.

Keene, B. W., Atkins, C. E., Bonagura, J. D., Fox, P. R., Häggström, J., Fuentes, V. L., ... & Uechi, M. (2019). ACVIM consensus guidelines for the diagnosis and treatment of myxomatous mitral valve disease in dogs. Journal of veterinary internal medicine, 33(3), 1127-1140.

Nelson, R. W., & Couto, C. G. (2019). Small Animal Internal Medicine-E-Book: Small Animal Internal Medicine-E-Book. Elsevier Health Sciences.

https://vcahospitals.com/know-your-pet/mitral-valve-disease-in-dogs

Phạm Quốc Anh Minh

Trả lời