Bệnh lý và điều trị, Bệnh ở chó

Chỉ dấu sinh học của tim phổ biến ở chó và mèo

chi-dau-sinh-hoc-cua-tim

Chỉ dấu sinh học thường là một chất trong máu có thể được đo lường một cách khách quan và phản ánh quá trình sinh lý, bệnh lý hoặc phản ứng với điều trị. Có nhiều chỉ dấu sinh học đại diện cho tình trạng của tim, trong đó có 2 chỉ dấu phổ biến và có giá trị lâm sàng cao nhất hiện nay ở chó và mèo, gồm:

  • Cardiac troponin I (cTnI): protein tơ cơ nội bào (của tim) được giải phóng vào tuần hoàn khi tế bào cơ tim bị tổn thương, chết hoặc hoại tử. Đây là một chỉ dấu rò rỉ, nghĩa là cTnI rò rỉ vào máu từ tế bào cơ tim bị tổn thương.
  • N-terminal pro–B-type natriuretic peptide (NT-proBNP): neurohormone được tiết ra từ tâm nhĩ và tâm thất để phản ứng với tình trạng quá tải thể tích hoặc quá tải áp lực. Đây là một chỉ dấu chức năng, nghĩa là NT-proBNP tăng lên khi cơ tim bị stress, kéo giãn hay tăng áp lực lên cơ tim do bệnh tim tiềm ẩn hoặc biểu hiện rõ.

Vậy, ngoài những điểm chung, 2 chỉ dấu này khác nhau thế nào về ý nghĩa? Hãy cùng Tiến Thắng tìm hiểu trong bài viết này nhé!

SINH LÝ BỆNH

cTnI:

  • Troponin I là thành phần trong bộ 3 tiểu đơn vị protein của phức hợp troponin (I, T, C). Troponin là protein điều hòa tương tác giữa actin và myosin trong sarcomere (đơn vị co cơ). Khi tế bào cơ tim bị tổn thương, protein này sẽ rò rỉ vào máu.
  • Nhiều nghiên cứu cho thấy cTnI là chỉ dấu tuyệt vời cho tổn thương cơ tim vì mức độ và thời gian tăng của chỉ dấu này tỷ lệ thuận với mức độ nghiêm trọng của tổn thương.
  • Do tính tương đồng về cấu trúc của cTnI giữa các loài động vật hữu nhũ, xét nghiệm cTnI của người có thể được dùng cho chó, mèo và các loài khác với kết quả có độ tin cậy tốt. Hiện nay, xét nghiệm cTnI cho thú đã phổ biến hơn, có thể thực hiện dễ dàng và nhanh chóng tại phòng khám.

NT-proBNP:

  • NT-proBNP là phần vô hoạt của proBNP. ProBNP được tạo ra từ tế bào cơ tim, chủ yếu từ tâm thất, khi phản ứng với sự căng giãn. Khi được giải phóng vào máu, proBNP phân tách thành 2 phần: BNP (hoạt động) và NT-proBNP (không hoạt động).
  • BNP có tác dụng sinh lý chính là giãn mạch, lợi tiểu và bài niệu, tuy nhiên thời gian bán hủy rất ngắn nên không phù hợp cho việc xét nghiệm. Ngược lại, NT-proBNP với thời gian bán hủy dài hơn, hiện được chọn làm chỉ dấu xét nghiệm giúp chẩn đoán suy tim sung huyết, sàng lọc bệnh tiềm ẩn, đánh giá nguy cơ và tiên lượng bệnh tim.
  • Khác với cTnI, NT-proBNP yêu cầu xét nghiệm đặc hiệu theo loài, và hiện đã có những xét nghiệm dành riêng cho chó và mèo.

NGUYÊN NHÂN VÀ Ý NGHĨA LÂM SÀNG KHI TĂNG

CTnI: (Bảng 1)

Nồng độ bình thường dưới ngưỡng phát hiện (< 0.2 ng/mL). Mọi giá trị cao hơn đều bất thường và mức tăng tỷ lệ với mức tổn thương cơ tim. Tăng cTnI có thể xảy ra trong các trường hợp:

  1. Viêm cơ tim, tràn dịch màng ngoài tim (có thể do ung thư mạch máu): cTnI trên chó thường tăng cao nhất trong trường hợp này.
  2. Bệnh cơ tim phì đại (HCM):nguyên phổ biến gây tăng cTnI với mức tăng từ nhẹ đến vừa, và tăng ở mèo bị HCM có triệu chứng lẫn không triệu chứng. Trong một nghiên cứu đánh giá khả năng phân biệt suy tim và bệnh hô hấp dựa vào cTnI, dù cTnI cao hơn ở mèo suy tim, nhưng cũng hơi tăng ở mèo bị bệnh hô hấp, nên độ đặc hiệu không cao. NT-proBNP là chỉ dấu tốt hơn để phân biệt trong trường hợp này.
  3. Nhồi máu cơ tim, tổn thương thiếu máu cục bộ:nguyên nhân gây tăng cTnI phổ biến nhất trên người (là tiêu chuẩn vàng mới để chẩn đoán nhồi máu cơ tim trong y học), tuy nhiên tình trạng tổn thương dạng này lại ít gặp trên chó.
  4. Xoắn dạ dày: tình trạng thiếu máu-tái tưới máu sau khi giải xoắn có thể gây tổn thương cơ tim, cTnI tăng và liên quan đến loạn nhịp sau mổ.
  5. Độc tố tim: doxorubicin liều cao (tích tụ thuốc gây hoại tử cơ tim), nọc rắn đuôi chuông, lá trúc đào, chấn thương ngực cũng có thể làm tăng cTnI.
  6. Bệnh hệ thống nặng (sốc, tăng áp phổi, bệnh thận, sốt, viêm): cTnI có thể tăng nhẹ không đặc hiệu.

NT-proBNP: (Bảng 1, 2)

  • Chó mèo suy tim sung huyết hoặc bệnh cơ tim tiềm ẩn đều có NT‑proBNP tăng rõ và nhạy. Nhiều nghiên cứu cho thấy NT-proBNP có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong việc phân biệt và chẩn đoán suy tim ở chó mèo ho, khó thở (dấu hiệu hô hấp).
  • Mức tăng NT-proBNP cũng tương quan với độ nghiêm trọng của bệnh, do đó có thể dùng để đánh giá tiên lượng. Các ngưỡng nồng độ NT-proBNP khác nhau ở chó và mèo.
  • Mức NT-proBNP có thể thay đổi tùy nguyên nhân gây suy tim. Ví dụ: NT-proBNP ở chó suy tim do hở van thấp hơn so với bệnh cơ tim giãn. NT-proBNP giúp sàng lọc bệnh cơ tim tiềm ẩn, nhưng độ nhạy, độ đặc hiệu chưa đủ cao để dùng đơn độc.
  • Bệnh hệ thống nặng như nhiễm trùng huyết, tăng áp phổi, bệnh hô hấp, bệnh thận cũng có thể làm tăng NT-proBNP mức độ nhẹ.

ỨNG DỤNG LÂM SÀNG

Sàng lọc bệnh tim tiềm ẩn: đặc biệt hữu ích trên mèo

  • NT‑proBNP và cTnI đều có thể tăng trên mèo bị HCM tiềm ẩn, tuy nhiên độ nhạy và độ đặc hiệu không phải tuyệt đối.
  • Xét nghiệm nhanh hiện nay có thể giúp phát hiện sớm HCM trước khi có triệu chứng.
  • NT-proBNP không được khuyến nghị dùng để chẩn đoán sớm bệnh van hai lá (MMVD) trên chó, do tình trạng này đã có thể chẩn đoán qua tiếng thổi tim; chỉ dấu này cũng không được khuyến nghị dùng để phân loại bệnh tim trên chó, sàng lọc ở những con chó khỏe mạnh không có dấu hiệu bệnh tim, hay xét nghiệm trước khi gây mê.

Phân biệt nguyên nhân gây khó thở: hữu ích trên cả chó và mèo

  • NT‑proBNP có độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn cTnI trong việc phân biệt giữa suy tim và nguyên nhân hô hấp ở cả chó và mèo.
  • cTnI có thể tăng cả khi có bệnh hô hấp, nên không đặc hiệu bằng NT‑proBNP.

Đánh giá mức độ nặng và tiên lượng:

  • Cả cTnI và NT‑proBNP đều tỷ lệ thuận với mức độ tổn thương của tim (như giãn hay phì đại thất trái, tràn dịch màng tim v.v.).
  • Nhiều nghiên cứu cho thấy nồng độ cTnI và NT-proBNP cao liên quan tới tăng nguy cơ tử vong hoặc tiến triển xấu.

Theo dõi đáp ứng điều trị hay độc tính:

  • cTnI: theo dõi độc tố tim (như doxorubicin), chấn thương, xoắn dạ dày v.v.
  • NT‑proBNP: giúp đánh giá hiệu quả điều trị suy tim qua thời gian.

HẠN CHẾ VÀ LƯU Ý KHI SỬ DỤNG

  • Không có chỉ dấu nào đủ riêng biệt và đơn độc để chẩn đoán hoặc tiên lượng.
  • Cả cTnI lẫn NT-proBNP đều có thể tăng ở một số trường hợp bệnh ngoài tim, hoặc chưa tăng ở những trường hợp bệnh tim mức độ rất nhẹ, do đó đều có khả năng xảy ra dương tính giả hoặc âm tính giả.
  • Kết quả xét nghiệm cần được đánh giá cùng với tình trạng lâm sàng, khám tim mạch, X-quang, siêu âm tim trước khi đưa ra suy đoán hay kết luận cuối cùng. Cần nhấn mạnh với chủ nuôi rằng chỉ dấu tim không phải là xét nghiệm đơn độc.
  • Xử lý mẫu: với NT‑proBNP, khuyến nghị ly tâm và tách huyết tương vào ống có chất ổn định (stabilizer tube) trong vòng 1 giờ sau khi lấy máu để đảm bảo giá trị chính xác. NT-proBNP bị phân giải ở nhiệt độ phòng, và thao tác không chuẩn với huyết thanh, huyết tương có thể dẫn đến âm tính giả.

KẾT LUẬN

Hiện nay, cTnI và NT‑proBNP đã trở nên dễ tiếp cận hơn rất nhiều với các phòng khám và bệnh viện thú y thông qua phương pháp xét nghiệm nhanh. Hai chỉ dấu sinh học này là xu hướng hay, hỗ trợ hiệu quả cho chẩn đoán, phân loại, tiên lượng và theo dõi bệnh tim bên cạnh các chẩn đoán hình ảnh và triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên cần cẩn trọng và kết hợp nhiều yếu tố khi diễn giải kết quả xét nghiệm và kết luận tình trạng.

BẢNG 1: NGUYÊN NHÂN TĂNG cTnI & NT-proBNP

Tăng cTnI

Tăng NT-proBNP

Bệnh tim:

  • Cơ tim giãn (DCM) nặng
  • Hở van hai lá (MVD) nặng
  • Cơ tim phì đại (HCM)
  • Viêm cơ tim
  • Tràn dịch màng tim (do ung thư mạch máu - hemangiosarcoma)
  • Dị tật tim bẩm sinh nặng (hẹp dưới van ĐMC)

Bệnh khác:

  • Chấn thương ngực
  • Xoắn dạ dày (tổn thương do tình trạng thiếu máu-tái tưới máu)
  • Bệnh thận

Độc chất:

  • Doxorubicin
  • Trúc đào
  • Nọc rắn

Yếu tố khác:

  • Tuổi cao

Bệnh tim:

  • Bệnh tim bẩm sinh
  • Suy tim sung huyết
  • Bệnh tim tiềm ẩn: DCM, HCM, MVD

Bệnh khác:

  • Tăng áp phổi
  • Bệnh thận
  • Bệnh hệ thống nặng

BẢNG 2: NT-proBNP VÀ Ý NGHĨA LÂM SÀNG

Xét nghiệm NT-proBNP ở chó

Ngưỡng bình thường: < 900 pmol/l

Chỉ định lâm sàng

Kết quả NT-proBNP

Diễn giải kết quả xét nghiệm

Chó có dấu hiệu hô hấp nhưng chưa xác định rõ nguyên nhân dù đã làm các xét nghiệm chẩn đoán khác (như chụp X-quang)

< 900

Khả năng cao KHÔNG phải suy tim sung huyết (CHF)

900-2.500

Có thể là CHF; cần xem xét thêm kết quả của các xét nghiệm khác

> 2.500

Khả năng rất cao là CHF

Đánh giá đơn lẻ bệnh van hai lá giai đoạn B2 (MMVD)

> 1.500

Nguy cơ cao tiến triển thành CHF trong vòng 6–12 tháng tới

Đánh giá lặp lại ở bệnh MMVD giai đoạn B2

Tăng > 750 hoặc 60%    

Nguy cơ cao CHF trong vòng 6 tháng tới, đặc biệt nếu giá trị tuyệt đối > 1.500

Doberman không triệu chứng, trên 3 tuổi, từ chối siêu âm tim (đặc biệt khi khám có dấu hiệu nghi ngờ bệnh cơ tim giãn tiềm ẩn - DCM)

> 450

Cho thấy nguy cơ cao mắc DCM tiềm ẩn; nên làm siêu âm tim hoặc gửi khám chuyên khoa tim

Xét nghiệm NT-proBNP ở mèo

Ngưỡng bình thường: < 100 pmol/l

Chỉ định lâm sàng

Kết quả NT-proBNP

Diễn giải kết quả xét nghiệm

Mèo có dấu hiệu hô hấp nhưng chưa rõ nguyên nhân dù đã làm các xét nghiệm chẩn đoán khác          

< 100

Khả năng cao KHÔNG phải suy tim sung huyết (CHF)

100–270

Có thể là CHF; cần xem xét thêm kết quả của các xét nghiệm khác

> 270

Khả năng rất cao là CHF

Mèo không triệu chứng nhưng có yếu tố nguy cơ về tim (như tiếng thổi tim, loạn nhịp, tiếng tim ngựa phi)

< 100

Có thể loại trừ bệnh tim nghiêm trọng với độ chính xác cao

> 100

Nguy cơ cao mắc bệnh tim nghiêm trọng; nên làm siêu âm tim

kit-xet-nghiem-mien-dich-huynh-quang

JZ-FIA07 là máy xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang di động loại khô do Công ty TNHH JZ Biotech (Trung Quốc) sản xuất, ứng dụng công nghệ sắc ký phát hiện nhanh kháng nguyên và kháng thể ở thú cưng.

Với khả năng hỗ trợ đến 4 vạch phản ứng, kết nối Wi-Fitự động tải đường chuẩn, báo cáo kết quả trực quan, máy cho phép định lượng nhiều chỉ dấu sinh học từ mẫu huyết thanh, huyết tương, máu toàn phần, phân hoặc dịch tiết.

Với 46 loại test kit đa dạng dùng để xét nghiệm kháng thể, kháng nguyên và nhiều chỉ dấu sinh học khác, bao gồm cả NT-proBNP và cTnI, JZ-FIA07 là trợ thủ đắc lực giúp phòng khám, bệnh viện thú y kiểm tra, chẩn đoán nhanh chóng và chính xác trong vòng 10 phút. Đây là giải pháp xét nghiệm lý tưởng cho các cơ sở thú y hiện đại.

Tìm hiểu thêm thông tin về máy tại https://tienthangvet.vn/san-pham/thiet-bi-thu-y/may-xet-nghiem-mien-dich-huynh-quang-jz-fia-07/

Tham khảo brochure và danh sách các test kit tại https://drive.google.com/file/d/1ocLzN9F9GzJyYPZVAwoAenRPfHfQxinO/view?usp=sharing

Tài liệu tham khảo

DeFrancesco T. Cardiac Biomarkers. Clinician's Brief. 2011. https://www.cliniciansbrief.com/article/cardiac-biomarkers

Adin D. Using Cardiac Biomarkers in Dogs and Cats. University of Illinois College of Veterinary Medicine. 2019. https://vetmed.illinois.edu/2019/07/11/using-cardiac-biomarkers-in-dogs-and-cats/

Fries R. Using Cardiac Biomarkers in Clinical Practice. Florida Veterinary Medical Association. 2024. https://fvma.org/using-cardiac-biomarkers-in-clinical-practice/

Hertzsch S, Roos A, Wess G. Evaluation of a sensitive cardiac troponin I assay as a screening test for the diagnosis of hypertrophic cardiomyopathy in cats. J Vet Intern Med. 2019; 33: 1242–1250. https://doi.org/10.1111/jvim.15498

Oyama MA, Boswood A, Connolly DJ, Ettinger SJ, Fox PR, Gordon SG, Rush JE, Sisson DD, Stepien RL, Wess G, Zannad F. Clinical usefulness of an assay for measurement of circulating N-terminal pro-B-type natriuretic peptide concentration in dogs and cats with heart disease. J Am Vet Med Assoc. 2013 Jul 1; 243(1):71-82. doi: 10.2460/javma.243.1.71. PMID: 23786193.

Gavazza A, Fruganti A, Turinelli V, Marchegiani A, Spaterna A, Tesei B, Rossi G, Cerquetella M. Canine Traditional Laboratory Tests and Cardiac Biomarkers. Front Vet Sci. 2020 Jun 26;7:320. doi: 10.3389/fvets.2020.00320. PMID: 32676505; PMCID: PMC7333565.

Rebez EB, Ninan J. Biomarkers in the cardiovascular system of animals: A review. Indian J Anim Health. 2024; 63(1): 22-28. DOI: https://doi.org/10.36062/ijah.2024.08023

(Hình ảnh) McDonaugh B, Whyte MB. The Evolution and Future Direction of The Cardiac Biomarker. European Medical Journal. 2020. https://www.emjreviews.com/cardiology/article/the-evolution-and-future-direction-of-the-cardiac-biomarker/

Phạm Quốc Anh Minh

Để lại một bình luận