Thức ăn chó mèo: Hiểu đúng về chất xơ

Nếu được hỏi đâu là chất dinh dưỡng trong thức ăn dễ gây nhầm lẫn nhất cho cả chủ nuôi và bác sĩ thú y, ắt hẳn câu trả lời sẽ là chất xơ. Chất xơ là carbohydrate từ thực vật mà các enzyme trong đường tiêu hóa của động vật có vú không thể tiêu hóa được.
Chất xơ có liên quan đến lợi ích sức khỏe ở cả người và vật nuôi. Đối với vật nuôi khỏe mạnh, chất xơ có thể ảnh hưởng đến chất lượng và tính đều đặn của phân và thúc đẩy quần thể vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh. Nó cũng có thể có lợi cho một số vấn đề sức khỏe ở vật nuôi như các vấn đề về đường tiêu hóa, tiểu đường, cholesterol cao và triglyceride, và giảm cân.
Hai đặc tính sau đây thường được dùng để phân loại chất xơ: khả năng hòa tan và lên men. Khả năng hòa tan là mức độ chất xơ tan được hoàn toàn trong nước. Chất xơ không hòa tan không tan trong nước trong khi chất xơ có khả năng hòa tan cao lại tan hoàn toàn. Về cơ bản, chất xơ không hòa tan đi vào và ra khỏi cơ thể hầu như không thay đổi. Chúng làm tăng lượng phân, từ đó giúp tăng tần suất đi ngoài. Loại chất xơ không hòa tan phổ biến nhất có trong thức ăn thú cưng là xenluloza. Cám lúa mì là nguồn chất xơ không hòa tan tốt có thể dùng để bổ sung cho người hoặc vật nuôi.
Chất xơ hòa tan bao gồm pectin, gum và fructan. Chất xơ hòa tan tinh khiết sẽ hòa tan trong nước và tạo thành gel nếu ở đúng tỷ lệ (pectin được dùng để làm mứt). Thực phẩm bổ sung chất xơ hòa tan cho người thường được quảng cáo là có thể trộn với bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào mà không tạo ra cặn. Các nguồn chất xơ hòa tan phổ biến trong thức ăn thú cưng bao gồm guar gum và inulin (thường có nguồn gốc từ cây atisô Jerusalem hoặc rễ rau diếp xoăn). Chất xơ hòa tan làm chậm quá trình tiêu hóa và kéo thêm nước vào ruột.
Chất xơ cũng có thể được phân loại dựa trên khả năng vi khuẩn đường ruột sử dụng chúng để sản xuất chất dinh dưỡng cho vi khuẩn cũng như các tế bào biểu mô ruột. Quá trình này được gọi là quá trình lên men. Nhìn chung, nguồn chất xơ có độ hòa tan càng cao thì càng được lên men nhanh và hoàn toàn. Trong khi khả năng lên men của vi khuẩn đường ruột có thể tốt cho sức khỏe của ruột và vi khuẩn, thì quá nhiều chất xơ với khả năng lên men cao có thể cản trở quá trình tiêu hóa, sản xuất quá nhiều khí và gây khó chịu ở đường tiêu hóa. Chất xơ hòa tan và có khả năng lên men thường được gọi là chất xơ “tiền sinh học” (prebiotic) vì lợi ích của chúng đối với vi khuẩn đường ruột.
Không phải mọi chất xơ đều sẽ hòa tan hoàn toàn hoặc không hòa tan. Một số loại có tính hỗn hợp – ví dụ như bã củ cải đường, vỏ hạt mã đề và cám yến mạch. Những chất xơ này sẽ có tác dụng liên quan đến tỷ lệ thành phần hòa tan được và thành phần không hòa tan, cũng như khả năng lên men của chúng.
So sánh hàm lượng chất xơ giữa các loại thực phẩm
Một trong những thách thức lớn nhất của chất xơ là rất khó để đo lường và so sánh lượng của từng loại chất xơ hoặc thậm chí là tổng lượng chất xơ giữa các loại thức ăn thú cưng. Lượng chất xơ được liệt kê trong Bảng thành phần dinh dưỡng cam kết (Guaranteed analysis) trên bao bì thức ăn thú cưng là “chất xơ thô” (crude fiber) tối đa, bao gồm hầu hết chất xơ không hòa tan, nhưng không bao gồm bất kỳ chất xơ hòa tan nào. Hơn nữa, vì đây là mức tối đa, nên chất xơ thô thực tế trong thức ăn có thể thấp hơn nhiều. Nhìn chung, chất xơ thô trên nhãn thức ăn thú cưng không phải là con số phản ánh chính xác lượng chất xơ thực tế có trong thức ăn thú cưng.
Một kiểu phân tích chất xơ khác: Tổng chất xơ trong thức ăn (total dietary fiber – TDF), định lượng chất xơ hòa tan và các loại chất xơ không hòa tan phổ biến trong thức ăn thú cưng. Đây là phép đo chính xác hơn về tổng lượng chất xơ trong thực phẩm. Phân tích TDF (dùng cho thực phẩm của người) tốn nhiều thời gian và chi phí hơn so với đo lường chất xơ thô. Do những hạn chế như trên và TDF cũng không phải là chỉ tiêu bắt buộc đo lường, thông số này hiếm khi được nhà sản xuất thức ăn thú cưng công bố.
Vì chất xơ thô chỉ bao gồm chất xơ không hòa tan, nên trong trường hợp thức ăn có nhiều chất xơ hòa tan, tổng lượng chất xơ có thể cao hơn nhiều so với giá trị chất xơ thô được ghi trên nhãn. Sự khác biệt này là lý do tại sao rất khó để so sánh lượng chất xơ trong thức ăn thú cưng – 2 loại thức ăn có lượng chất xơ thô tương tự nhau có thể rất khác nhau về tổng lượng và loại chất xơ, đồng thời những khác biệt vô hình này có thể có tác động khác nhau đáng kể trên thú cưng.
Ngoài ra, sự khác biệt về loại và lượng chất xơ có thể dẫn đến nhiều vấn đề đường tiêu hóa mà chủ nuôi có thể thấy được sự khác nhau giữa các loại thức ăn – thú cưng có thể đi phân kém khi ăn thức ăn này nhưng lại đi phân tốt khi ăn loại thức ăn khác. Quá nhiều hoặc quá ít chất xơ, hoặc hỗn hợp chất xơ không phù hợp có khả năng cao làm thú cưng không đáp ứng tốt với một loại thức ăn cụ thể, hơn là dị ứng thực phẩm.
Điều chỉnh chất xơ trong chế độ ăn của thú cưng
Hãy trao đổi với bác sĩ thú y nếu bạn nghĩ thú cưng của mình có thể cần nhiều chất xơ hơn. Nếu bác sĩ đồng ý, bạn có thể cho ăn thức ăn chứa nhiều chất xơ hơn hoặc bổ sung chất xơ vào chế độ ăn hiện tại. Nếu muốn thử loại thức ăn chứa nhiều chất xơ hơn, tốt nhất bạn nên sử dụng sản phẩm thức ăn trị liệu chứa nhiều chất xơ. Loại và lượng chất xơ trong thức ăn loại này sẽ được phân tích và đo lường chính xác hơn so với trong thức ăn bình thường, giúp bạn dễ dàng kiểm soát dinh dưỡng hơn.
Thực phẩm bổ sung chất xơ phổ biến có thể dùng để thêm vào thức ăn thú cưng bao gồm vỏ hạt mã đề, cám lúa mì, xenluloza và inulin, tất cả đều có bán trên thị trường thực phẩm của người. Nhiều chủ nuôi cũng bổ sung thêm rau củ như bí ngô hoặc đậu xanh vào thức ăn để cung cấp chất xơ. Một thách thức là mặc dù những loại thực phẩm này lành mạnh và an toàn cho hầu hết thú cưng, nhưng chất xơ mà chúng chứa lại không ổn định và thường ít hơn so với lượng có thể thu nạp được từ một lượng nhỏ chất bổ sung chất xơ cô đặc.
Loại chất xơ nào nên dùng và dùng liều lượng bao nhiêu phụ thuộc vào mục tiêu, kích thước thú cưng, loại thú cưng (mèo hay chó), và đôi khi cần phải thử nghiệm. Một số ít hướng dẫn cung cấp thông tin về liều lượng chất xơ (đã được chuẩn hóa) có thể bổ sung vào chế độ ăn hiện có. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 2 thìa canh thực phẩm bổ sung psyllium (loại thông thường của người) mỗi ngày đem lại tác động tích cực trên chó.
Nếu bổ sung, chất xơ phải được cung cấp liên tục từ vài ngày đến vài tuần cho đến khi phân đạt được như mong muốn hoặc đạt được mục tiêu mong muốn khác (hoặc thấy được rõ ràng là chất xơ không có tác dụng). Khi chọn chất bổ sung chất xơ, lưu ý rằng bất kỳ sản phẩm nào dành cho người đều không được chứa xylitol hoặc chất tạo ngọt nhân tạo khác. Tốt nhất nên chọn nguồn chất xơ nguyên chất không thêm hương vị, chất tạo màu hoặc chất tạo ngọt.
Bảng dưới đây so sánh TDF cũng như lượng chất xơ hòa tan và không hòa tan của một số nguồn chất xơ thường có trong thức ăn thú cưng hoặc được bổ sung vào thức ăn thú cưng.
Thực phẩm bổ sung chất xơ thường dùng cho thú cưng (lượng chất dinh dưỡng trong một thìa canh)
Chất xơ | Lượng calo | Tổng lượng | Chất xơ hòa tan (g) | Chất xơ không hòa tan (g) |
Bí ngô đóng hộp | 5 | 0,4 | 0,1 | 0,4 |
Cám lúa mì | 8 | 1.6 | 0,1 | 1.6 |
Cám yến mạch | 14 | 0,9 | 0,4 | 0,5 |
Vỏ hạt mã đề | 17 | 3,5 | 3.0 | 0,5 |
Inulin | 5 | 2,5 | 2,5 | 0 |
Felipro Tuna Flavor (Felipro vị Cá ngừ) là sản phẩm thức ăn hoàn chỉnh cho mèo mới nhất đến từ nhà Vet Products Group, do Tiến Thắng phân phối độc quyền tại Việt Nam.
Bên cạnh các đặc điểm kế thừa từ Felipro vị Hải sản truyền thống, Felipro vị Cá ngừ nay có thêm các ưu điểm như
- Bổ sung dầu cá ngừ rất giàu Omega-3 DHA, tốt cho sự phát triển của mèo
- Tối ưu công thức và thành phần khoáng chất giúp hạn chế hình thành sỏi tiết niệu
- Bổ sung protein thủy phân (hydrolyzed protein) cải thiện khả năng tiêu hóa thức ăn
Với các ưu điểm trên, Felipro vị Cá ngừ vừa cung cấp dinh dưỡng cân bằng, vừa giúp hạn chế xảy ra các vấn đề về đường tiết niệu ở mèo khi ăn trong thời gian dài, giúp chủ nuôi yên tâm hơn. Đừng quên để sẵn nước sạch cho mèo uống liên tục nhé!
Tham khảo thêm thông tin sản phẩm trên website tại: https://tienthangvet.vn/san-pham/cham-soc-thu-cung/felipro-tuna-flavor-thuc-an-hon-hop-hoan-chinh-ho-tro-duong-tieu-hoa-va-tiet-nieu-danh-cho-meo/
Biên dịch từ bài viết gốc của Chuyên gia Dinh dưỡng Thú y, ThS. BSTY. Cailin Heinze (DACVIM) trên website của Dịch vụ Dinh dưỡng Lâm sàng, Bệnh viện Cứu trợ Thú nhỏ Henry và Lois, Trường Thú y Cummings, Đại học Tufts, Hoa Kỳ.
https://sites.tufts.edu/petfoodology/2019/11/04/fiber-frustrations/
Phạm Quốc Anh Minh