Thuốc thú y

Nôn, thuốc gây nôn và thuốc chống nôn trên chó mèo

Nôn, thuốc gây nôn và thuốc chống nôn trên chó mèo

Nôn là phản xạ tự nhiên của con người và một số loài động vật có khả năng nôn nhằm mục đích tránh nuốt phải và/hoặc tránh tiêu hoá các chất có khả năng gây độc. Đây là cơ chế khá phức tạp được hình thành từ nhiều kích thích tố khác nhau và xảy ra dưới sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ phần bụng và đường tiêu hoá để tống mạnh các chất chứa có trong dạ dày ra ngoài qua đường miệng.

Kích thích nôn có thể được hình thành qua 2 cách. Nôn qua con đường dịch thể là khi các chất gây nôn lưu thông trong máu và kích hoạt vùng nhận cảm hóa học (chemoreceptor trigger zone) ở vùng postrema (nằm trong hành não) trước khi vùng nhận cảm hóa học truyền tín hiệu kích thích nôn đến trung tâm gây nôn. Do vùng nhận cảm hóa học nằm ngoài hàng rào máu-não, các thuốc hay độc tố gây nôn trong hệ tuần hoàn dễ dàng khuếch tán qua để gắn với thụ thể. Nôn qua con đường thần kinh là khi thần kinh hướng tâm (dây số 9, 10, thần kinh tạng) được kích hoạt từ các cơ quan đường tiêu hóa (hầu họng, dạ dày, ruột, tuyến tụy, gan, túi mật v.v.) và truyền tín hiệu trực tiếp về các nhân ở trung tâm gây nôn. Hầu hết các thuốc liên quan đến nôn đều tập trung vào con đường dịch thể, dựa trên sự tương tác của chất dẫn truyền thần kinh tại vùng nhận cảm hóa học. Con đường thần kinh ít được chú trọng hơn dù đóng vai trò quan trọng hơn nhiều.

Nôn do say tàu xe hay bệnh tiền đình xảy ra trên người và cũng xảy ra trên thú cưng do hệ tiền đình bị kích thích quá mức, hoặc có sự rối loạn và mâu thuẫn giữa các tín hiệu cảm giác vị trí cơ thể, thị giác và tiền đình.

Các chất dẫn truyền thần kinh tham gia vào quá trình nôn

Acetylcholine (gắn với thụ thể acetylcholine muscarinic [M1]) và chất P (substance P; gắn với thụ thể neurokinin-1 [NK-1]) tác động lên trung tâm gây nôn. Vùng nhận cảm hóa học được kích hoạt bởi dopamine (gắn với thụ thể D2), chất chủ vận thụ thể alpha-2 adrenergic (gắn với thụ thể NE), serotonin (gắn với thụ thể 5-HT3), acetylcholine (gắn với thụ thể M1), chất P (gắn với thụ thể NK-1), enkephalin và histamine (gắn với thụ thể H1 và H2).

Các thụ thể alpha-adrenergic trong vùng nhận cảm hóa học đóng vai trò quan trọng trong việc gây nôn ở mèo. Các chất chủ vận thụ thể alpha-2 adrenergic (như xylazine) là có tác dụng gây nôn mạnh hơn trên mèo so với trên chó. Các chất đối kháng thụ thể 5-HT1A (như buspirone) và các chất đối kháng thụ thể alpha-2 adrenergic (như acepromazine, yohimbine, mirtazapine) có tác dụng chống nôn trên mèo.

Ngược lại, các thụ thể D2 trong vùng nhận cảm hóa học không có vai trò quan trọng trong việc gây nôn qua con đường dịch thể trên mèo như trên chó. Apomorphine, chất chủ vận thụ thể D2, là có tác dụng gây nôn mạnh hơn trên chó so với trên mèo, và các chất đối kháng thụ thể D2 (như metoclopramide) không có tác dụng chống nôn hiệu quả trên mèo.

Các thụ thể H1 và H2 có trong vùng nhận cảm hóa học của chó nhưng không có trên mèo. Histamine là chất gây nôn mạnh trên chó nhưng không có tác dụng trên mèo, tương tự, các chất đối kháng thụ thể H1 (như diphenhydramine) không có tác dụng chống nôn do say tàu xe trên mèo. Tuy nhiên trong hệ tiền đình của mèo có các thụ thể M1, do đó các chất đối kháng hỗn hợp thụ thể M1/M2 (như atropine) lại có tác dụng chống nôn do say tàu xe trên mèo.

Chất P gắn với các thụ thể NK-1 có trong ruột, vùng nhận cảm hóa học, nhân bó đơn độc và trung tâm gây nôn ở hệ thần kinh trung ương. Chất P có tác dụng gây nôn, và các chất đối kháng chất P (như maropitant) có tác dụng chống nôn mạnh trước nhiều loại kích thích nôn trên cả chó lẫn mèo.

Thuốc gây nôn

Thuốc gây nôn thường được dùng trong các trường hợp cấp cứu sau khi thú nuốt phải chất độc. Các loại thuốc gây nôn trực tiếp tác động vào trung ương thần kinh để kích thích trung tâm gây nôn hoặc tác động gián tiếp thông qua vùng nhận cảm hóa học.

Apomorphine (opiod) là chất chủ vận dopamine mạnh kích thích trực tiếp vùng nhận cảm hóa học nên kém hiệu quả trên mèo. Thuốc có thể được dùng qua đường uống, bôi niêm mạc (mắt, nướu), tiêm tĩnh mạch hoặc dưới da. Phản xạ nôn thường xảy ra trong vòng 5–10 phút. Tuy nhiên, mặc dù kích thích trực tiếp vùng nhận cảm hóa học, nhưng thuốc có tác dụng ức chế trung tâm gây nôn, nên tác dụng gây nôn không đảm bảo tuyệt đối. Tác động của apomorphine trên mèo có thể được chặn bởi thuốc đối kháng opioid naloxone.

Xylazine và dexmedetomidine, chất chủ vận thụ thể alpha-2 adrenergic, được sử dụng chủ yếu vì tác dụng an thần và giảm đau. Chúng cũng là thuốc gây nôn khá hiệu quả trên mèo (~50% mèo sẽ nôn) khi kích thích vùng nhận cảm hóa học. Phản xạ nôn sẽ xảy ra trong vòng 5–10 phút. Có thể phòng ngừa nôn do xylazine hoặc dexmedetomidine bằng cách dùng thuốc đối kháng thụ thể alpha-2-adrenergic yohimbine.

Ôxy già 3% (hydrogen peroxide 3%) tác động vào phần hầu họng có thể kích thích nôn qua dây thần kinh số 9. Trên chó, có thể dùng xilanh bơm liều nhỏ (5–10 mL) vào miệng cho đến khi nôn. Cần thận trọng vì nếu hít phải bọt ôxy già sẽ gây ra viêm phổi hít. Lượng nhỏ ôxy già 3% tương đối an toàn nhưng có thể gây kích thích niêm nạc thực quản và dạ dày. Ôxy già nồng độ cao hơn có thể gây độc. Không nên dùng trên mèo do nguy cơ gây ra viêm thực quản xuất huyết và viêm dạ dày.

Một số chất khác từng được sử dụng nhưng hiện không còn được khuyến cáo dùng để gây nôn ở chó và mèo do tác động có hại lên sức khỏe: siro ipecac, muối ăn và bột mù tạt.

Thuốc chống nôn

Nôn ói trong thời gian dài gây kiệt sức và có thể dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải và toan kiềm, và viêm phổi hít. Thuốc chống nôn được dùng để kiểm soát tình trạng nôn quá mức sau khi đã chẩn đoán nguyên nhân, để ngăn ngừa say tàu xe và nôn do tâm lý, và để kiểm soát tình trạng nôn do xạ trị và hóa trị. Thuốc chống nôn có thể tác động lên ngoại vi để chặn tín hiệu hướng tâm từ các thụ thể (truyền về thần kinh trung ương), chặn tín hiệu ly tâm của phản xạ nôn (truyền về các cơ quan) và/hoặc tác động lên thần kinh trung ương để ngăn chặn sự kích hoạt của vùng nhận cảm hóa học và trung tâm gây nôn.

Nhóm phenothiazine gồm những thuốc chống nôn hiệu quả với cơ chế đối kháng mạnh thụ thể dopamine D2, alpha-1-adrenergic, đối kháng yếu thụ thể histamine và acetylcholine, giúp giảm tình trạng nôn do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả việc dùng thuốc opioid và say tàu xe ở mèo. Thuốc thuộc nhóm phenothiazine được dùng để chống nôn bao gồm acepromazine, chlorpromazine và prochlorperazine. Acepromazine không có tác dụng chống nôn hay chống say tàu xe ở mèo. Tác dụng phụ có thể gặp phải bao gồm hạ huyết áp (do đối kháng alpha-adrenergic), an thần quá mức và hội chứng ngoại tháp (có thể xử trí bằng thuốc kháng histamine).

Nhóm thuốc kháng acetylcholine chặn tín hiệu cholinergic truyền từ đường tiêu hóa và hệ thống tiền đình đến trung tâm gây nôn. Hiệu quả chống nôn kém so với các nhóm thuốc khác và có nhiều tác dụng phụ, tuy nhiên cũng có tác dụng điều trị say tàu xe ở mèo do sự hiện diện của thụ thể M1 trong hệ thống tiền đình của loài này.

Nhóm thuốc kháng histamine có khả năng chặn cả tín hiệu cholinergic lẫn histamine truyền từ hệ thống tiền đình đến trung tâm gây nôn trên chó. Các thuốc đối kháng thụ thể H1 thường được sử dụng là diphenhydramine và dimenhydrinate. Chúng có thể gây ra hiệu ứng an thần nhẹ, và cũng có thể gây ra kích thích nghịch lý thần kinh trung ương.

Metoclopramide là thuốc chống nôn có phổ tác dụng rộng với khả năng đối kháng thụ thể dopamine D2 ở thần kinh trung ương và làm tăng nhu động ruột. Ở liều cao, thuốc ức chế các thụ thể serotonin 5-HT3 trong vùng nhận cảm hóa học. Metoclopramide có khả năng chống nôn hiệu quả trên chó nhưng lại ít hiệu quả trên mèo. Thuốc được sử dụng để kiểm soát tình trạng nôn do hóa trị, buồn nôn và nôn liên quan đến giảm nhu động, viêm dạ dày trào ngược và viêm ruột do virus. Thuốc có thể kích thích tiết aldosterone do đó cần cẩn trọng khi sử dụng với thú mắc bệnh tim mạch, và thuốc cũng có thể kích thích thần kinh trung ương nên chống chỉ định với thú bị động kinh hay dễ co giật. Do hiệu ứng làm tăng nhu động, nên tránh dùng thuốc nếu nghi ngờ đường tiêu hóa bị thủng, tắc nghẽn hay mắc dị vật.

Nhóm thuốc đối kháng thụ thể serotonin 5-HT3 gồm ondansetron, granisetron và dolasetron. Các thụ thể này nằm ở thần kinh số 10/phế vị (ngoại vi) và ở vùng postrema (trung ương). Serotonin được tạo ra phần lớn từ tế bào enterochromaffin trong đường tiêu hoá, đặc biệt khi lớp niêm mạc bị tổn thương do thuốc gây độc tế bào hay tia xạ. Thuốc nhóm này có thể được sử dụng để chống nôn trên chó và mèo đang trong quá trình hóa trị và xạ trị. Thuốc không có hiệu quả đối với tình trạng nôn do say tàu xe.

Maropitant là thế hệ thuốc chống nôn mới nhất trên chó mèo với tính chất đối kháng thụ thể neurokinin-1 (NK-1). Chất P là chất dẫn truyền thần kinh gắn với thụ thể NK-1 và gây nôn.

Dược phẩm chứa maropitant

Một số dược phẩm chứa maropitant lưu hành trên thế giới

Maropitant chống nôn bằng việc chặn các thụ thể NK-1 trong đường tiêu hóa, cũng như trong vùng nhận cảm hóa học, nhân bó đơn độc và trung tâm gây nôn, đều là những cơ quan quan trọng trong thần kinh trung ương chuyên tiếp nhận tín hiệu gây nôn qua dịch thể và thần kinh cũng như điều phối phản xạ nôn. Mặc dù có tính chọn lọc đối với thụ thể NK-1, maropitant vẫn có thể ngăn chặn tình trạng nôn do apomorphine, cisplatin (thuốc hóa trị), siro ipecac hay do say tàu xe ở chó. Thuốc hiếm khi xảy ra tác dụng phụ khi sử dụng, tuy nhiên ở liều rất cao có thể gây ra hạ nhịp tim và hạ huyết áp, do đó cần theo dõi cẩn thận khi dùng cho thú mắc bệnh tim hay thú đang dùng đồng thời thuốc chẹn beta. Thuốc tiêm maropitant có thể gây đau khi tiêm và có thể giảm thiểu bằng cách bảo quản trong tủ mát và tiêm ngay khi thuốc còn ở nhiệt độ lạnh. Một số con chó có thể nôn ngay sau khi uống maropitant và phản ứng này có thể giảm thiểu bằng việc cho uống cùng với chút thức ăn ngon (tránh chất béo).

Phạm Quốc Anh Minh

Trả lời