Thức ăn chó mèo: Hiểu đúng về thức ăn không chứa ngũ cốc

Những sự thật về thức ăn không chứa ngũ cốc
Thức ăn không chứa ngũ cốc (grain-free) là một trong những phân khúc phát triển mạnh nhất của thị trường thức ăn chó mèo hiện nay. Đây là loại thức ăn được coi là gần với đặc tính tự nhiên của thú cưng hơn và ít có khả năng gây ra các vấn đề sức khỏe hay dị ứng. Ngày càng có nhiều chủ nuôi tìm đến loại thức ăn này vì những tác động tích cực được quảng cáo, tuy nhiên thực tế không phải vậy! Hãy cùng Tiến Thắng tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng đáng tin cậy nào về việc cho chó hoặc mèo ăn ngũ cốc là có hại. Ngũ cốc nguyên hạt, thay vì chỉ được xem là “chất độn” trong thức ăn, lại có thể cung cấp các chất dinh dưỡng có giá trị bao gồm vitamin, khoáng chất, axit béo thiết yếu và chất xơ. Thậm chí một số sản phẩm chứa ngũ cốc còn cung cấp protein dễ tiêu hóa hơn cho thú cưng so với một số protein từ thịt. Ngay cả ngũ cốc tinh chế như gạo trắng cũng có thể có lợi cho sức khỏe tùy thuộc vào sản phẩm thức ăn và cá thể thú. Phần lớn cả chó và mèo đều tiêu hóa và sử dụng chất dinh dưỡng từ lượng ngũ cốc thường thấy trong thức ăn thú cưng rất hiệu quả (>90%).
Tình trạng dị ứng thức ăn ở thú cưng thường không phổ biến, trong đó dị ứng với ngũ cốc thậm chí còn hiếm hơn. Số ít thú cưng bị dị ứng chủ yếu là dị ứng với protein động vật như thịt gà, thịt bò và sữa (điều này phản ánh mức độ phổ biến của các thành phần đã liệt kê có trong thức ăn thương mại chứ không phải xu hướng tăng khả năng gây dị ứng). Tình trạng không dung nạp gluten cũng cực kỳ hiếm gặp ở thú cưng, với các triệu chứng đường tiêu hóa do tiêu thụ gluten chỉ mới được xác nhận ở một đàn Irish Setter cận huyết.
Điều quan trọng cần lưu ý là các sản phẩm thức ăn không ngũ cốc có thể khác nhau rất nhiều về thành phần dinh dưỡng như protein, chất béo, calo và các chất dinh dưỡng khác. Một số sản phẩm thức ăn không ngũ cốc có hàm lượng carbohydrate thấp hơn, nghĩa là chúng có thể chứa khá nhiều chất béo và calo. Vài sản phẩm khác chỉ đơn giản thay ngũ cốc bằng lượng tinh bột tinh chế cao (như tinh bột từ khoai tây hoặc sắn). Những thành phần này có thể cung cấp ít chất dinh dưỡng và ít chất xơ hơn ngũ cốc nguyên hạt trong khi giá thành lại cao hơn. Các công ty khác sử dụng các thành phần như đậu Hà Lan, đậu hoặc đậu lăng thay cho ngũ cốc để cung cấp carbohydrate, nhưng những thành phần cho thú cưng chưa chắc đã tốt hơn ngũ cốc mà thậm chí có thể gây khó tiêu ở một số trường hợp.
Nghiên cứu về thức ăn không chứa ngũ cốc và so sánh với thức ăn có chứa ngũ cốc
Mặc dù thức ăn chó mèo không chứa ngũ cốc rất phổ biến, nhưng liệu chúng ta đã biết mức độ dinh dưỡng và thành phần (ngoài ngũ cốc) của loại thức ăn này so với thức ăn có chứa ngũ cốc truyền thống khác nhau như thế nào?
Năm 2018, nhóm nghiên cứu của chuyên gia dinh dưỡng Cailin Heinze đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí Journal of Feline Medicine and Surgery, trong đó so sánh các thành phần và một số chất dinh dưỡng cơ bản giữa một số sản phẩm thức ăn khô cho mèo không chứa ngũ cốc và có chứa ngũ cốc phổ biến. Nhóm đã thu thập thông tin về 77 sản phẩm thức ăn khô cho mèo, với 42 sản phẩm có chứa ngũ cốc và 35 sản phẩm không chứa ngũ cốc, tất cả đều được đặt mua từ các nhà bán lẻ trực tuyến lớn. Sau đó, nhóm xác định các thành phần phổ biến nhất của từng loại (chứa và không chứa ngũ cốc) và so sánh hàm lượng dinh dưỡng giữa hai loại. Dưới đây là một số điều thú vị mà nhóm đã tìm thấy:
- Một trong những sản phẩm thức ăn được quảng cáo là “không chứa ngũ cốc” lại có chứa một loại ngũ cốc, với “lúa mạch” được liệt kê trong danh sách thành phần.
- Lượng calo giữa hai loại thức ăn là tương tự nhau; vì vậy, việc cho ăn loại này hay loại kia không có nghĩa là cho ăn nhiều hay ít calo hơn, mặc dù lượng calo trong các sản phẩm thức ăn ở cả hai loại có thể khác nhau.
- Trung bình sản phẩm thức ăn không chứa ngũ cốc có lượng carbohydrate thấp hơn trung bình sản phẩm thức ăn có chứa ngũ cốc, nhưng có những sản phẩm thức ăn không chứa ngũ cốc chứa lượng carbohydrate tương đương hoặc thậm chí cao hơn thức ăn có ngũ cốc.
- Các thành phần có nguồn gốc động vật phổ biến nhất trong cả thức ăn có chứa và không chứa ngũ cốc là gia cầm (gà, gà tây và/hoặc vịt), trứng và cá.
- Các thành phần có nguồn gốc thực vật phổ biến nhất trong thức ăn không chứa ngũ cốc là đậu Hà Lan, nam việt quất, khoai tây và cà rốt. Các thành phần có nguồn gốc thực vật phổ biến nhất trong thức ăn có chứa ngũ cốc là gạo, hạt lanh, nam việt quất và yến mạch.
- Một số sản phẩm thức ăn có chứa thành phần khá lạ đối với thức ăn cho mèo, như rau diếp, cải xoong, cần tây, mâm xôi đen, bơ, mơ, atisô, hạt chia, đu đủ và bí ngòi.
- Các loại thịt lạ: thịt nai, thịt bò rừng, thịt thỏ phổ biến nhất trong thức ăn không chứa ngũ cốc.
Chúng ta có thể học được gì từ nghiên cứu này?
Những kết quả nghiên cứu này cho thấy việc sử dụng thức ăn không chứa ngũ cốc không có nghĩa là bạn đang cho mèo ăn ít carbohydrate hơn, hay dự đoán được thức ăn sẽ chứa nhiều hay ít calo. Tất cả các thức ăn khô cho mèo đều chứa carbohydrate từ nguồn này hay hay nguồn khác. Các sản phẩm thức ăn không chứa ngũ cốc cho mèo mà nhóm tìm hiểu đã thay thế ngũ cốc bằng đậu Hà Lan, khoai tây, khoai lang và sắn. Những thành phần này, đối với mèo, không “tự nhiên” hay lành mạnh hơn so với ngũ cốc.
Một số công ty sản xuất thức ăn thú cưng và nguồn thông tin khác đã gợi ý rằng thức ăn không chứa ngũ cốc là lựa chọn tối ưu trong trường hợp mèo bị dị ứng. Nhìn chung, dị ứng thực phẩm ít phổ biến hơn nhiều so với suy nghĩ của nhiều chủ nuôi, và trong trường hợp xảy ra, chúng thường do các thành phần có nguồn gốc động vật như thịt gà, sữa, cá và trứng gây ra. Các thành phần này thường có trong cả thức ăn không chứa ngũ cốc và có chứa ngũ cốc, do đó việc chuyển sang thức ăn không chứa ngũ cốc sẽ không thể loại bỏ được các dị nguyên này.
Điều thú vị là có khá nhiều sản phẩm thức ăn khô cho mèo ở cả hai loại đều chứa nam việt quất (38/77 sản phẩm, hay 49%). Nhiều công ty quảng cáo rằng nam việt quất có thể tốt cho đường tiết niệu, nhưng chưa có nghiên cứu nào cho thấy cụ thể lợi ích này trên mèo và chỉ có một ít dữ liệu ở chó. Ngay cả ở chó, lợi ích dường như chỉ liên quan đến khả năng giảm nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra bởi một loại vi khuẩn, và chỉ được nghiên cứu trên một sản phẩm bổ sung cụ thể. Những loại nhiễm trùng này khá hiếm gặp ở mèo và lượng nam việt quất có trong thức ăn của mèo cũng thường rất nhỏ. Do đó, nam việt quất có tác dụng khiến chủ nuôi cảm thấy dễ chịu hơn là thực sự giúp ích cho mèo; đây là một ví dụ điển hình về tiếp thị hơn là khoa học.
Tương tự như vậy, các thành phần như rau diếp, cải xoong, quả mâm xôi, quả bơ và atisô chưa chắc làm cho mèo khỏe mạnh hơn, nhưng chắc chắn làm cho thức ăn trở nên mắc tiền hơn bình thường.
Tóm lại, “không chứa ngũ cốc” là một khái niệm tiếp thị được xây dựng để bán thức ăn cho thú cưng, không phải là giải pháp sức khỏe để giúp thú cưng của bạn sống lâu và khỏe mạnh.
Felipro Tuna Flavor (Felipro vị Cá ngừ) là sản phẩm thức ăn hoàn chỉnh cho mèo mới nhất đến từ nhà Vet Products Group, do Tiến Thắng phân phối độc quyền tại Việt Nam.
Bên cạnh các đặc điểm kế thừa từ Felipro vị Hải sản truyền thống, Felipro vị Cá ngừ nay có thêm các ưu điểm như
- Bổ sung dầu cá ngừ rất giàu Omega-3 DHA, tốt cho sự phát triển của mèo
- Tối ưu công thức và thành phần khoáng chất giúp hạn chế hình thành sỏi tiết niệu
- Bổ sung protein thủy phân (hydrolyzed protein) cải thiện khả năng tiêu hóa thức ăn
Với các ưu điểm trên, Felipro vị Cá ngừ vừa cung cấp dinh dưỡng cân bằng, vừa giúp hạn chế xảy ra các vấn đề về đường tiết niệu ở mèo khi ăn trong thời gian dài, giúp chủ nuôi yên tâm hơn. Đừng quên để sẵn nước sạch cho mèo uống liên tục nhé!
Tham khảo thêm thông tin sản phẩm trên website tại: https://tienthangvet.vn/san-pham/cham-soc-thu-cung/felipro-tuna-flavor-thuc-an-hon-hop-hoan-chinh-ho-tro-duong-tieu-hoa-va-tiet-nieu-danh-cho-meo/
Biên dịch từ bài viết gốc của Chuyên gia Dinh dưỡng Thú y, ThS. BSTY. Cailin Heinze (DACVIM) trên website của Dịch vụ Dinh dưỡng Lâm sàng, Bệnh viện Cứu trợ Thú nhỏ Henry và Lois, Trường Thú y Cummings, Đại học Tufts, Hoa Kỳ.
https://sites.tufts.edu/petfoodology/2016/06/14/grain-free-diets-big-on-marketing-small-on-truth/
Prantil, L. R., Heinze, C. R., & Freeman, L. M. (2018). Comparison of carbohydrate content between grain-containing and grain-free dry cat diets and between reported and calculated carbohydrate values. Journal of Feline Medicine and Surgery, 20(4), 349-355.
Phạm Quốc Anh Minh